Trong đó, có chi tiết khi gặp nhau ở Trường Sơn, những người lính hỏi nhau quê quán khi nghe giọng hát văn. Câu trả lời là “Nam Định”. Đấy là câu trả lời có tính lịch sử chứ không phải là sự “khẳng định đặc quyền” của chủ thể tổ chức nghi lễ, diễn xướng... như nó đang diễn ra đây đó hôm nay ở quê hương tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Định...
Thần linh, dù là thần linh địa phương hay thần linh có tính toàn cầu về bản chất như nhau. Chứng nhân Jehovah ra đời ở Mỹ, nhưng thiếu gì tín đồ của hệ phái này ở rất nhiều nước trên thế giới. Nói cách khác, đã là thần linh thì nhất định thần phải ẩn chứa tính phổ biến. Quay lại đạo Mẫu, Mẫu của trong nam ngoài bắc có thể có những biểu hiện cụ thể khác nhau nhưng về nguyên lý thờ Mẫu cũng không có gì khác biệt. Vẫn chỉ là nguyên lý thờ Mẹ. Và khi được vinh danh, chính là UNESCO đã khẳng định giá trị bản chất của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, là giá trị phi vật thể của nhân loại.
Giá trị nhân loại này không buộc phải coi Nam Định là địa điểm quan trọng nhất trong thực hành tín ngưỡng này. Có nghĩa là, khi công nhận di sản, UNESCO đã không công nhận chỉ Nam Định, chỉ phủ Dầy “độc quyền” di sản. Tuy nhiên, ngay trong ngày tôn vinh, người ta đã thấy các phủ ngay trong quần thể di tích phủ Dầy này phô trương thanh thế để chứng minh mình quan trọng hơn. Chưa kể, trước đó, có cung văn từng chia sẻ về chuyện cung văn vùng này không thể tới vùng khác hát, vì cát cứ đất như vậy. Trong khi, bản thân hát chầu văn đã đạt đến trình độ của một hình thức diễn xướng cộng đồng cực hay và có tính phổ quát cao. Những giá trị đó đáng lẽ phải được sử dụng chung chứ không phải theo kiểu chia phần vô lý.
Thật đáng tiếc, vừa được UNESCO công nhận, chúng ta đã phải chứng kiến những biểu hiện có tính cát cứ, độc quyền di sản diễn xướng thờ Mẫu ở Nam Định, từ người quản lý đến người thực hành. Đó là cát cứ về sự ra đời, nguồn gốc rồi thậm chí tuyệt đối hóa nó là của một vùng. Điều nguy hiểm là nó dẫn đến và cũng bắt nguồn từ ý muốn được cát cứ trong đặc quyền hưởng thụ và đặc quyền thưởng lợi mà nó đem lại.
Chính vì thế, cần phải tổ chức lại các hoạt động xã hội hóa đền, phủ Nam Định cho văn minh, chuẩn mực, cũng cần tiếp tục giáo dục hưởng thụ nghệ thuật tâm linh. Phải để mọi người hiểu sâu sắc rằng, đã là đạo Mẫu thì tinh thần của nó ở đâu cũng hay, cũng quý. Không thể cứ ào ạt đổ xô về một chỗ hiệu ứng đám đông. Vả lại di sản này đâu phải địa điểm hành hương.
Tâm linh, nếu bị cát cứ, người ta sẽ tự bóp chết giá trị phổ quát của tính nhân văn mà nhờ đó một thần linh có tính địa phương đã trở thành giá trị của nhân loại.
Bình luận (0)