'Cắt nát' bệnh nhân để tính dịch vụ thanh toán với Bảo hiểm y tế

24/05/2017 17:36 GMT+7

Tại nhiều bệnh viện có hiện tượng 'cắt nát' bệnh nhân để tính thanh toán với BHYT . Trên một phim X.Quang chụp cẳng chân bệnh nhân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối... nhưng có BV yêu cầu thanh toán 3 dịch vụ khác nhau.

Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), qua phân tích dữ liệu toàn quốc, cơ quan này đã phát hiện những bất thường trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, như kéo dài ngày nằm viện trong hồ sơ thanh toán, chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết, không đúng quy trình kỹ thuật, tách nhỏ dịch vụ để thanh toán nhiều lần.
“Phẫu thuật thay thủy tinh thể một mắt đơn thuần chỉ cần nằm viện một ngày nhưng tại Bệnh viện Mắt Thanh Hóa mất 7,1 ngày, BV Mắt Thái Nguyên 6,3 ngày, BV Mắt Sơn La 7,5 ngày, chênh lệch tiền giường trên 1,9 tỉ đồng", ông Đức cho biết.
Đáng nói là trong nhóm bệnh nhân dịch vụ thực hiện kỹ thuật này, chỉ có bệnh nhân bảo hiểm y tế mới bị kéo dài ngày nằm viện. Có bệnh viện cùng phẫu thuật này, nhưng bệnh nhân mổ dịch vụ theo yêu cầu thì ngày nằm viện chỉ 1 ngày, trong khi bệnh nhân BHYT 5 - 7 ngày.
Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tại nhiều bệnh viện đã có hiện tượng “cắt nát” bệnh nhân để tính dịch vụ thanh toán với BHYT. Ông Phúc dẫn chứng, trong hồ sơ, trên một phim X.Quang chụp cẳng chân nhìn rõ xương cổ chân, xương khớp gối, xương chẳng chân, xương gót, nhưng có BV đã yêu cầu BHXH thanh toán 3 dịch vụ khác nhau: chụp gót chân, chụp cổ chân, chụp xương cẳng chân.
Thậm chí tại một cơ sở y tế ở Nghệ An, có bệnh nhân trong một lần điều trị răng được trám cổ chân răng 24 lần cho một lần điều trị. “Không thể kiểm được số vết trám cổ răng trên bệnh nhân nhưng về thời gian thì không thể đủ để bác sĩ thực hiện số lần như vậy”, ông Phúc bình luận.
Có cơ sở y tế thiếu nhân lực khám nên cử bác sĩ đông y ra khám cho người bệnh, nhưng sau đó bác sĩ đa khoa đứng tên ký kết quả, chẩn đoán để hợp thức hóa chuyên môn. Còn tại một bệnh viện đa khoa của Nghệ An, một bác sĩ khám đến 150 - 180 bệnh nhân/buổi, trong khi Bộ Y tế đề nghị không quá 35 bệnh nhân để đảm bảo có thời gian tư vấn, khám kỹ cho người bệnh.
“Nếu bệnh nhân đông cần tăng thêm nhân lực. Khám kiểu thế chân hay “thần tốc” như vậy rất khó có thể khẳng định đảm bảo chất lượng, thiệt thòi thuộc về người bệnh", ông Phúc nhận xét.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết sẽ kiến nghị bổ sung quy định chấm dứt hợp đồng khám BHYT với các cơ sở bị phát hiện lạm dụng dịch vụ y tế. Trong các tháng đầu năm nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạm dừng thanh toán 200 tỉ đồng với các cơ sở y tế lạm dụng dịch vụ xã hội hóa, do các đơn vị này cam kết với đối tác đầu tư về số lượng dịch vụ phải chỉ định cho người bệnh sử dụng; không đấu thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.