Chính phủ chỉ đạo cụ thể
Cát sạch dành cho xây dựng công trình đã thể hiện ưu điểm lớn so với cát bẩn, cát không qua sàng rửa. Công trình bền đẹp, tuổi thọ trên 100 năm đều có sự đóng góp từ việc dùng nguồn cát sạch.
Ngày 18.8.2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 (QĐ1266). Theo QĐ1266, các tỉnh thành phải hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; phát huy, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng; tiếp cận và ứng dụng nhanh nhất những thành tựu khoa học, công nghệ; phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước, từng bước tăng cường xuất khẩu; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến cát nghiền, cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ, cát mịn thành cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông và vữa.
“Không sử dụng cát sông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật dùng cho bê tông làm vật liệu san lấp; không xuất khẩu cát xây dựng khai thác từ tự nhiên; đẩy mạnh việc sản xuất sử dụng cát nước lợ, cát mịn, cát biển đi kèm với các giải pháp kỹ thuật; sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp với tuyển rửa loại bỏ tạp chất để nâng cao chất lượng cát; phế thải sinh ra trong quá trình xử lý cát phải được thu gom, lưu chứa đúng kỹ thuật hoặc tái sử dụng; cơ sở khai thác, chế biến cát phải đáp ứng những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường; phải tiến hành cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến cát…”, QĐ1266 nêu rõ.
|
Ngày 17.9.2020, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 4516/BXD-VLXD thông báo QĐ1266 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị UBND các tỉnh thành trực thuộc T.Ư nhanh chóng triển khai thực hiện QĐ1266. Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh thành trực thuộc T.Ư sớm có kế hoạch, phương án, đề án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 đúng theo tinh thần của QĐ1266; đồng thời chỉ đạo việc quản lý và thực hiện những thủ tục pháp lý về đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật…
Cát sạch ích nước lợi nhà
QĐ1266 ra đời trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng trong đó đặt ra yêu cầu bức thiết của việc sử dụng cát sạch dành cho mọi công trình. Bởi trên thực tế, cát tự nhiên (cát đồi núi, cát sông suối, cát cửa sông, cửa biển, cát biển) còn nhiều bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ. Những chất bẩn lẫn lộn trong cát này có hại cho bê tông và vữa. Thời gian qua tại TP.Cần Thơ, Công ty Phan Thành đã nghiên cứu chế tạo ứng dụng thành công công nghệ tuyển rửa cát đồi núi, cát sông suối, cát biển, cát bẩn cho ra cát sạch dùng cho bê tông và vữa đạt tiêu chuẩn TCVN 7570: 2006 “ích nước lợi nhà”. Mọi người, mọi công trình khi ứng dụng công nghệ của Công ty Phan Thành sẽ tận thu các nguồn cát, góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên cát và khắc phục tình trạng khan hiếm cát.
Trao đổi với Thanh Niên, kiến trúc sư Trần Thanh Tòng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch Trấn Giang (Công ty Trấn Giang - trụ sở tại TP.Cần Thơ), cho biết hơn 10 năm qua, Công ty Trấn Giang luôn sử dụng cát sạch theo công nghệ Phan Thành cho tất cả công trình xây dựng cao ốc, khách sạn, trường học, văn phòng cho thuê, trụ sở làm việc, biệt thự, nhà phố… Cát sạch theo công nghệ Phan Thành giúp tiếp xúc xi măng và cốt liệu mau kết cứng, tăng lực dính bám nên cường độ bê tông tăng, không có hiện tượng co ngót bê tông, không nứt kết cấu công trình. Công trình sử dụng cát sạch theo công nghệ Phan Thành giảm xi măng từ 10 - 17%. Công trình sử dụng cát sạch theo công nghệ Phan Thành có tăng chi phí một chút so với cát bẩn, cát không sàng rửa song mang lại sự bền đẹp, an toàn.
|
Theo ông Võ Tấn Dũng, người sáng chế công nghệ tuyển rửa cát sạch của Công ty Phan Thành, cát sông Tiền, sông Hậu qua nhà máy tuyển rửa sạch thì chi phí xây dựng thấp hơn cát không qua tuyển rửa khoảng 115.000 đồng/m³. Cụ thể, chi phí gia công tuyển rửa và bốc dỡ xuống sà lan tối đa của cát sạch là 50.000 đồng/m³, cát bẩn tốn chi phí sàng qua lưới thủ công nhưng không sạch là 60.000 đồng/m³. 10% tạp chất trong 1 m³ cát bẩn khi vận chuyển bốc xếp tới công trình chi phí tối thiểu 25.000 đồng, 1 m³ cát bẩn không qua sàng rửa khi đưa vào xây dựng gây hao tốn thêm 10% xi măng, quy ra khoảng 80.000 đồng.
Bảng phân tích nêu trên đã chỉ rõ sự tốn kém của việc dùng cát không sạch. Từ đây, chủ đầu tư cần mạnh dạn sử dụng cát sạch nhằm góp phần đảm bảo chất lượng công trình và không phải tốn chi phí sơn nhiều lần, giảm chi phí bảo dưỡng. QĐ1266 lần này triển khai rộng khắp trên cả nước là hết sức thiết thực trong đó nguồn tài nguyên cát được khuyến khích thay đổi công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp tuyển rửa sạch, sử dụng hợp lý, đảm bảo chất lượng công trình của Nhà nước, của người dân luôn đẹp đẽ, bền vững, an toàn.
Bình luận (0)