|
Theo Sở TN-MT Quảng Ngãi, bãi cát xóm Vạn được giao cho Công ty TNHH xây dựng 240 khai thác trên cơ sở tính toán trữ lượng cho phép. Như vậy, việc khai thác của Công ty 240 nếu không vi phạm các điều kiện trong giấy phép là hoàn toàn hợp lý khi tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phía người dân cho rằng chính việc khai thác của các doanh nghiệp trước đó là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến nhà cửa, đường sá ven sông.
Lấy lý do này, quá nửa các hộ ở xóm Vạn đều cử mỗi hộ 1 người xuống bãi cát canh chừng doanh nghiệp, tạo nên một đám đông dao động từ 50-100 người phần lớn là phụ nữ và người già cắm trại ở bãi cát. Cứ mỗi khi doanh nghiệp đưa xe đến, dân xóm Vạn lại cử người dùng “khổ nhục kế”, lăn ra đường nằm vạ không cho xe vào bãi. Doanh nghiệp đành “bó tay” vì người dân tụ tập ở bãi đều là người già, phụ nữ, những đối tượng được xã hội đặc biệt quan tâm.
Để lý giải cho điều này, một số người dân xóm Vạn giãi bày, họ là những người sinh ra và gắn bó với dòng sông từ thuở lọt lòng, và khi doanh nghiệp đến “chiếm” bãi cát họ đều cảm thấy ít nhiều mất mát. Khác với những tài nguyên khác, việc khai thác cát của các doanh nghiệp không giải quyết được thêm nguồn lao động cho địa phương, lại có nguy làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông nên người dân có cớ để cản doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Nghịch lý ở chỗ, dù ngăn cản doanh nghiệp khai thác cát nhưng chính người dân lại mang theo xẻng ra bãi cát để vừa canh doanh nghiệp vừa xúc cát đem bán, mà theo họ là chỉ khai thác với khối lượng nhỏ bằng phương pháp thủ công chứ không dùng phương tiện cơ giới như doanh nghiệp.
Mỗi bên đều “tận thu” từ dòng sông theo một cách khác nhau dẫn đến tình trạng “giành giật” bãi cát mà không bên nào chịu bên nào. Và khi đến mùa mưa, lúc vừa hết mùa xúc cát cũng là lúc nguy cơ sạt lở bờ sông dần hiển lộ, khi ấy phần thiệt hại nặng nhất vẫn thuộc về phía người dân.
Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng tìm hiểu nguyện vọng của dân và tìm cách khống chế tình trạng sạt lở, giám sát việc khai thác đúng trữ lượng và quy trình cho phép nếu cấp giấy phép cho doanh nghiệp, qua đó xoa dịu những căng thẳng kéo dài trong những năm qua. Minh bạch và trách nhiệm trong quản lý khai thác tài nguyên trên sông không chỉ làm cho dân “phục” mà còn là cách răn đe những người khai thác cát trái phép ở các nơi khác trên sông Trà, chấn chỉnh tình trạng mạnh ai nấy xúc, mạnh ai nấy hút như hiện nay.
Linh Phạm
>> Yêu cầu kiểm tra thực trạng khai thác cát sông Trà Khúc
>> Quảng Ngãi: Người dân phản đối khai thác cát xuất khẩu
Bình luận (0)