‘Cát tặc’ vẫn vươn vòi, vì sao lực lượng chức năng ‘lưỡng lự’?

21/01/2019 12:59 GMT+7

Mặc dù đã phát hiện và xử lý hàng ngàn vụ 'cát tặc' vươn vòi tận thu trái phép tài nguyên nhưng điều 'bất thường' là mỗi khi nghe tin báo về 'cát tặc', có nơi lại… lưỡng lự.

[VIDEO] Vòi bạch tuộc liên tục chỉa xuống "hút máu" sông Tiền
Tại các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông và Cổ Chiên thuộc địa bàn 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, “cát tặc” vẫn hoành hành trước sự uất ức của người dân nơi đây.
Theo thống kê, hiện tỉnh Bến Tre có khoảng 800 phương tiện hành nghề khai thác cát, đa phần không đăng ký, đăng kiểm gây khó khăn cho công tác quản lý hành chính
Chỉ tính riêng năm 2018, tỉnh Bến Tre đã phát hiện 1.618 vụ khai thác cát trái phép với hơn 28.000 m3 cát sông, đã xử lý 1.798 cát tặc và xử phạt hành chính tổng số tiền trên 15 tỉ đồng, trong đó đã tịch thu 5 phương tiện, bán đấu giá nộp ngân sách 1 tỉ đồng.
So với năm 2017 tăng khoảng 500 vụ, số tiền phạt tăng gần gấp đôi.
Phản ánh với PV Thanh Niên, nhiều người dân ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam (Bến Tre) bức xúc rằng nhiều lần gọi điện báo khi có “cát tặc vươn vòi”, nhưng không được lực lượng chức năng chú ý.
Nói về nguyên nhân chính quyền thường phản ứng chậm, thậm chí không đến hiện trường khi có tin báo từ người dân có “cát tặc”, ông Nguyễn Minh Cường, Phó chánh thanh tra Sở TN - MT Bến Tre, thành viên thường trực Ban chỉ đạo quản lý hoạt động khai thác khoảng sản tỉnh Bến Tre, cho biết do lực lượng chức năng nhiều lần bị “cát tặc” dùng chiêu báo tin để kéo đoàn kiểm tra tập trung tại một chỗ để “đồng bọn” khai thác tại các vị trí khác, nên lực lượng chức năng phải thực hiện giải pháp là rãi đều đội hình để đối phó. Và phương pháp này khiến các đoàn kiểm tra khó có thể đáp ứng được như người dân kỳ vọng.
Việc khai thác cát tràn lan gây ra sạt lở khiến người dân ở các cồn thuộc tỉnh Bến Tre điêu đứng do liên tục phải dời nhà ẢNH: BẮC BÌNH
Một khó khăn khác, là do lực lượng chức năng tại chỗ chưa được trang bị phương tiện di chuyển trên sông. Trong khi đó, nếu thuê cùng một phu đò để chở đi bắt “cát tặc” nhiều lần thì “cát tặc” biết sẽ mua chuộc phu đò, sau đó, phu đò sẽ chọn giải pháp “nằm giữa” khiến các nỗ lực truy bắt của lực lượng chức năng… thành "công cốc".  

Trong các biện pháp mạnh nhằm xử lý nạn “cát tặc”, theo Ban chỉ đạo Quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tỉnh Bến Tre, thời gian tới sẽ yêu cầu ngành công an thực hiện các biên bản vi phạm, liệt kê đối tượng một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng hơn để làm căn cứ khởi tố hình sự đối với trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần.

3 năm phát hiện hơn 500 trường hợp khai thác cát trái phép

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tình trạng khai thác cát, vật liệu san lấp trái phép diễn ra tại nhiều địa phương như TX.Phú Mỹ, TP.Bà Rịa, các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc...

Ghe sắt hút cát trộm bị Bộ đội Biên phòng Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ ẢNH: NGUYỄN LONG

Tính từ đầu năm 2015 đến tháng 5.2018, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã thực hiện trên 1.950 buổi kiểm tra, phát hiện và xử lý 511 trường hợp khai thác cát trái phép, khởi tố điều tra 1 vụ (với 52 đối tượng và 16 phương tiện vi phạm); thu giữ 234 máy bơm cát, 15 ghe, 7 sà lan, 3 máy xúc, 2 máy đào và 1 ô tô; tịch thu trên 23.000 m3 cát; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 13 cán bộ, công chức và phê bình chủ tịch UBND 5 xã để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn quản lý. (Nguyễn Long)

Chặt vòi “cát tặc” bằng quy định

Theo Sở TN - MT tỉnh Tây Ninh, để ngăn chặn nạn khai thác cát lậu trong khu vực hồ Dầu Tiếng cũng như trên sông Vàm Cỏ Đông, Sở đã yêu cầu các đơn vị khai thác cát được cấp phép công bố đầy đủ, rõ ràng kế hoạch khai thác, xuất bán, vận chuyển cát. Từ đó, giúp các cơ quan chức năng phối hợp quản lý hiệu quả.

Khai thác cát trái phép trong lòng hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) ẢNH: GIANG PHƯƠNG

Mới đây, ngày 28.12.2018, Sở Xây dựng Tây Ninh đã chính thức công bố quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Theo quy hoạch này, các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản phải được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương trên cơ sở đồng thuận của người dân và của địa phương (ấp, xã, huyện) nơi dự kiến thăm dò, khai thác. (Giang Phương)

Cầu vượt cung, “cát tặc” lại... vươn vòi

Ông Trần Đặng  Đức, Giám đốc Sở TN - MT tỉnh An Giang cho hay khó khăn lớn nhất là thời gian gần đây do nhu cầu thị trường lớn, giá cát tăng cao, việc khai thác cát trái phép một số nơi tăng trở lại, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác ra ngoài khu vực được cấp phép, khai thác vượt công suất làm tăng nguy cơ sạt lở đất bờ sông.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm chủ yếu là các phương tiện nhỏ lẻ, lén lút hút cát vào ban đêm. (Thanh Dũng)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.