Cắt tóc, cho thuê nhà... nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/08/2024 06:16 GMT+7

Đó là đề xuất của Bộ Tài chính trong dự thảo luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung. Lâu nay, chỉ có cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp mới trong diện áp dụng quy định này.

Công bằng trong nghĩa vụ thuế

Bộ Tài chính lý giải luật Quản lý thuế quy định "người nộp thuế" bao gồm tổ chức và cá nhân. Vì vậy, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân người nộp thuế và các cá nhân là đại diện của tổ chức nộp thuế (gồm chủ hộ kinh doanh, cá nhân là đại diện pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh) chứ không chỉ áp dụng riêng cho cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Cắt tóc, cho thuê nhà... nợ thuế có thể bị tạm hoãn xuất cảnh- Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục thuế

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cả nước hiện có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế.

Thực tế, nhiều cá nhân có thu nhập ở nhiều nơi nhưng không quyết toán thuế, cơ quan thuế mời lên nhưng không lên và cũng không làm việc. Do đó, các cá nhân cũng nên lưu ý về vấn đề này và thực hiện tra soát thuế trên eTax để nắm tình hình số thuế nợ của cá nhân. Điều này nhằm tránh rơi vào trường hợp cá nhân lên kế hoạch đi nước ngoài mà ra đến hải quan mới phát hiện bị tạm dừng xuất cảnh, không những tốn kém chi phí mà có thể còn ảnh hưởng đến công việc.

Luật sư Trần Xoa

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp mạnh tay được cơ quan thuế áp dụng trong thời gian qua. Tính đến hết tháng 7, đã có 17.952 quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện doanh nghiệp nợ thuế được ban hành. Tổng nợ ước tính 204.950 tỉ đồng, thu nợ thuế được 50.527 tỉ đồng. Biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp còn nợ thuế đã mang lại kết quả thu nợ khá tốt trong thời gian qua. Tuy vậy, do chưa quy định ngưỡng nợ thuế nên cũng gây ra nhiều tranh cãi, ý kiến trái chiều, nhất là với các khoản nợ nhỏ, thậm chí chưa tới 1 triệu đồng nhưng cũng bị hoãn xuất cảnh.

Với việc bổ sung cá nhân vào đối tượng áp dụng quy định nói trên, luật sư Trần Xoa (Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang) cho rằng nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế. Người nộp thuế là tổ chức hay cá nhân mà chây ì nợ thuế thì biện pháp xử lý cưỡng chế cũng cần như nhau. Dù rằng số nợ thuế của cá nhân kinh doanh thường ít hơn doanh nghiệp, có trường hợp nợ chỉ vài trăm ngàn, vài triệu đồng nhưng số lượng cũng tương đối nhiều nên khi quy định này có hiệu lực sẽ có nhiều trường hợp rơi vào tình trạng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Mở rộng đối tượng tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nhận định cần thiết bổ sung cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh vào đối tượng tạm hoãn xuất cảnh khi chây ì nộp thuế. Điều này thể hiện sự bình đẳng khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế. Trước khi luật Quản lý thuế ban hành, không có quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế. Những người định cư, người nước ngoài hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được xuất cảnh. Sau khi có luật Quản lý thuế thì đưa vào trường hợp cưỡng chế thuế, tạm hoãn xuất cảnh người đại diện của doanh nghiệp.

Tránh áp dụng tràn lan

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Tú lưu ý biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế chây ì đã cho thấy hiệu quả trong cưỡng chế thuế. Từ đó lại nảy sinh tình trạng các địa phương áp dụng một cách tràn lan, có trường hợp nợ vài trăm ngàn cũng tạm hoãn xuất cảnh. Chính vì vậy, dù ủng hộ đưa cá nhân, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh vào đối tượng tạm hoãn xuất cảnh khi chây ì nợ thuế, nhưng ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng cần phải quy định một cách cụ thể trường hợp nào bị tạm hoãn xuất cảnh.

"Điều 124 luật Quản lý thuế đề cập "có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh". Từ "có thể" nghĩa là nên cần cân nhắc áp dụng biện pháp hành chính tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp nào. Bởi đây là biện pháp hành chính khá nặng nề, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, doanh nghiệp, nên cần đưa ra tiêu chí rõ ràng chứ không phải cứ nợ thuế là tạm hoãn", ông Tú phân tích.

Cũng theo ông Tú: Luật nêu rõ có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, hay những trường hợp chây ì, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm… thì biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là cần thiết. Còn ngược lại, nếu không quy định làm rõ cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh hay không, doanh thu bao nhiêu, nợ thuế bao nhiêu… thì cá nhân, hộ kinh doanh như tiệm cắt tóc, cho thuê nhà, chạy xe công nghệ… chây ì nợ thuế đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

"Cũng cần lưu ý một điểm là trách nhiệm của cơ quan thuế thông báo đến người nộp thuế tình trạng nợ thuế, biện pháp cưỡng chế thuế. Điều này tránh trường hợp nhiều người không biết bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đến khi ra sân bay mới biết. Trong trường hợp người nộp thuế biết mà không thực hiện thì lúc này họ mới tâm phục khẩu phục, biện pháp cưỡng chế thuế này mới có ý nghĩa", ông Nguyễn Ngọc Tú nói.

Luật sư Trần Xoa đánh giá tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp cưỡng chế, thu hồi nợ thuế nhưng tỏ ra khá hiệu quả trong thời gian qua nên được cơ quan thuế tăng cường thực hiện rộng rãi trên cả nước. Trên thực tế, còn có các biện pháp cưỡng chế thuế khác như trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép… Tuy nhiên, các biện pháp cưỡng chế này có những hạn chế, không phù hợp nên không hiệu quả bằng.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên gặp nhiều khó khăn do cơ quan thuế không có bộ phận chuyên trách, không có chức năng định giá, đấu giá tài sản nên khó thực hiện. Do không có đủ thông tin về tài sản, khó đánh giá về giá trị tài sản, liên quan đến nhiều bộ luật và cần sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng khác. Biện pháp cưỡng chế bên thứ ba còn bất cập do cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, chưa có cơ chế chia sẻ thông tin. Do đó, không đảm bảo tính khả thi khi thực hiện, các chế tài trong công tác thu hồi nợ thuế còn chưa đủ mạnh dẫn đến công tác cưỡng chế, thu hồi nợ thuế chưa hiệu quả.

Ông Trần Xoa lưu ý ngoài cá nhân kinh doanh, tại Nghị định 126/2020 có đề cập các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh gồm: "cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế". Ở đây có đề cập cá nhân nợ thuế, điều này cũng có nghĩa những người đang nợ thuế thu nhập cá nhân chây ì nợ thuế cũng có thể bị tạm hoãn xuất cảnh.

"Thực tế, nhiều cá nhân có thu nhập ở nhiều nơi nhưng không quyết toán thuế, cơ quan thuế mời lên nhưng không lên và cũng không làm việc. Do đó, các cá nhân cũng nên lưu ý về vấn đề này và thực hiện tra soát thuế trên eTax để nắm tình hình số thuế nợ của cá nhân. Điều này nhằm tránh rơi vào trường hợp cá nhân lên kế hoạch đi nước ngoài mà ra đến hải quan mới phát hiện bị tạm dừng xuất cảnh, không những tốn kém chi phí mà có thể còn ảnh hưởng đến công việc", luật sư Trần Xoa khuyến cáo thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.