Cậu bé mồ côi và câu chuyện cổ tích về tình phụ tử

31/03/2017 13:00 GMT+7

Sau khi được giới thiệu tại nhiều liên hoan phim quốc tế, Cha cõng con chính thức ra mắt khán giả Việt Nam từ ngày 5.4.

Có nhiều lý do để Cha cõng con khiến giới làm nghề và công chúng tò mò. Bởi đó là bộ phim đầu tay của cái tên mới toe với dòng phim tác giả - đạo diễn Lương Đình Dũng; phim không có “ngôi sao”, hầu hết là dàn diễn viên nghiệp dư nhưng được đầu tư kinh phí lên tới gần 18 tỉ đồng và quay trong khoảng thời gian 3 năm; phim đã lọt vào vòng đề cử giải thưởng tại nhiều liên hoan phim quốc tế như Liên hoan phim quốc tế Houston, Liên hoan phim quốc tế Boston, Liên hoan phim quốc tế Milano… trước khi ra mắt khán giả trong nước.

Cha cõng con mở ra với hình ảnh cậu bé Cá mải miết chạy dọc bờ sông đuổi theo chiếc máy bay bay trên bầu trời xanh trong, dưới sông, bố Cá chèo thuyền đuổi theo nụ cười và ánh mắt lấp lánh ước mơ của cậu con trai nhỏ. “Hơn 25 năm về trước, mẹ tôi nói với tôi rằng bà luôn thắc mắc không biết cảm giác được ở trên một chiếc máy bay và bay trên bầu trời ra sao. Bà đã mất vài năm sau đó. Từ ước mơ của mẹ và của chính tôi, hay những ánh mắt của những đứa trẻ đang ngước lên bầu trời mà tôi bắt gặp, tôi tìm thấy được cảm hứng ban đầu để xây dựng một câu chuyện - một bộ phim về những ước mơ từ mặt đất hướng vọng đến bầu trời”, đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ. 

Cha-cong-con
Cậu bé mồ côi Nguyễn Trọng Tấn và diễn viên Ngô Thế Quân trong phim

Cha cõng con được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Lương Đình Dũng viết vào năm 1995, về một cậu bé tên Cá luôn mơ ước được đến thành phố nơi “con chim sắt” vẫn thường bay qua ngôi nhà nhỏ bên dòng sông của cậu. Người đàn ông tên Mộc - cha của Cá, cả đời quanh quẩn đánh cá bên sông nhưng luôn lấp lánh niềm vui khi nhìn thấy nụ cười của con trai nhỏ. Cuộc sống tưởng mãi cứ yên lành như thế đến khi Cá bị bệnh, cha cõng Cá ra thành phố. Rồi cha Cá được biết rằng để chữa bệnh cho con anh phải bắt đủ 160.000 con cá. 

Trong phim, người ta thấy được sự mong manh của cuộc sống, sự cơ cực, nghèo khó của phận người, nỗi đau của sự mất mát. Lương Đình Dũng không diễn tả những điều đó một cách hời hợt nhưng không sa vào bi lụy, mà, trong đó ánh lên những ánh nắng ấm áp của tình cha con, của lòng nhân ái. Lương Đình Dũng mang nhiều “chất thơ” vào trong tác phẩm điện ảnh đầu tay của mình. Đó là hình ảnh những đứa trẻ nghèo cùng đuổi theo “con chim sắt” đến từ thành phố, hay những vòng xoáy tưởng như vô tận của chiếc cầu thang mà bố Cá cõng Cá trên lưng để lên ngắm “ngôi nhà của tương lai”...

Vào vai Cá trong phim là cậu bé mồ côi Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS (Việt Trì, Phú Thọ). Chị Lê Thị Ngọc, người mẹ nuôi của Tấn kể, mẹ Tấn đã qua đời sau khi sinh em. Tấn được gửi vào làng trẻ lúc mới 15 tháng tuổi, giờ em đã 10 tuổi. Trong phim, Tấn diễn mà như không diễn, cậu bé Cá hồn nhiên chơi đùa với con gà, ngã cả vào vũng nước khi mải ngắm “con chim sắt” trên trời. Ngoài Tấn, hầu hết các diễn viên nhí trong phim đều là những cậu bé, cô bé ở làng trẻ em SOS. “Những đứa trẻ mồ côi có nét gì đó man mác buồn, nhưng trong đôi mắt chúng luôn ánh lên những ước mơ”, đạo diễn Lương Đình Dũng giải thích lý do chọn những diễn viên “đặc biệt” cho bộ phim của mình. 

Cha-cong-con
Phim được quay tại bối cảnh chính ở Hà Giang

Ngoài những hình ảnh tuyệt đẹp được quay tại Hà Giang do nhà quay phim Lý Thái Dũng đảm trách, phần âm thanh do nhạc sĩ người Hàn Quốc Lee Dong-jun đã góp một phần không nhỏ vào thành công của bộ phim. Lương Đình Dũng nói rằng, anh mong muốn được thực hiện một bộ phim về tình phụ tử, bởi nỗi ám ảnh khi còn nhỏ chứng kiến cảnh một người con đánh cha mình. 

Cha cõng con không mang nhiều ngôn ngữ điện ảnh ẩn dụ, không có quá nhiều cao trào, nhưng lại có thể len vào những ngóc ngách cảm xúc cảm nhận được sự thiêng liêng của tình cảm cha con. Câu nói của cha Cá cứ văng vẳng và ám ảnh mãi: “Có phải bắt 160.000 con cá, cha cũng bắt cho con”. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.