Ngày 28.11, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Bình Dương (BQLDA) cho biết đơn vị này đang tích cực phối hợp UBND TP.Thuận An, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công cầu Bình Gởi nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.
Theo BQLDA, cầu Bình Gởi thuộc gói thầu XL4 của dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP.HCM, được khởi công tháng 10.2023 với thời gian thi công dự kiến trong 900 ngày.
Sau hơn 1 năm, đến nay cầu Bình Gởi đã thi công đạt khối lượng 56,31%; khối lượng thi công cọc khoan nhồi đạt 96,33%. Hiện đơn vị thi công đang triển khai thi công đúc hẫng nhịp chính và triển khai thi công bệ trụ, thân trụ (đạt 20/22 trụ) và gác dầm (đạt 6/20 nhịp).
Cầu Bình Gởi có chiều dài 1 km (từ Km 51+280 đến Km 52+280), mặt cắt ngang 19,75 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc đạt 100 km/giờ; do nhà thầu thi công là liên danh Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam và Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam.
Về tiến độ bàn giao mặt bằng, BQLDA cho biết hiện phía bên TP.HCM đã bàn giao 100% mặt bằng. Riêng phía Bình Dương còn 21 trường hợp chưa bàn giao và các cơ quan chức năng đang phối hợp đẩy nhanh tiến độ giao mặt bằng trong tháng 12.2024.
Sau khi hoàn thành, cầu Bình Gởi sẽ nối 2 bờ sông Sài Gòn giữa xã An Sơn (TP.Thuận An, Bình Dương) và xã Bình Mỹ (H.Củ Chi, TP.HCM), là 1 trong 6 cây cầu bắc qua sông Sài Gòn (cầu Bình Tây, cầu Thanh An, cầu Bến Súc, cầu Phú Cường và cầu Phú Long) kết nối với TP.HCM, Tây Ninh.
Trong đó, cầu Bình Gởi và cầu Thanh An (dự kiến hợp long tháng 1.2025) đang được thi công, các cầu còn lại là cầu hiện hữu.
Vì sao gọi là cầu Bình Gởi?
Về tên gọi cầu Bình Gởi, nhiều ý kiến cho rằng tên của cây cầu này không hợp và liên quan đến bất cứ địa danh nào ở TP.HCM và Bình Dương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết tên cầu Bình Gởi là tên đặt trong dự án, khi hoàn thành có thể đặt lại tên cầu cho phù hợp giống như cầu Bình Tây nối Bình Dương với Tây Ninh.
Bình luận (0)