Trước tình trạng dù có quy định cấm câu cá trên các kênh rạch nội thành nhưng nhiều người vẫn thả câu, UBND TP.HCM dự kiến sẽ phạt nặng ai vi phạm.
Cần câu bủa xuống lòng kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè vào chiều 22.1 - Ảnh: Đình Phú
|
Cuối tuần qua, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hàng trăm người có mặt trên vỉa hè đường Hoàng Sa và Trường Sa dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè (thuộc địa bàn các quận: 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh) để câu cá.
Một người “quản”...5 cần câu !
Tại đoạn kênh qua địa bàn P.14 và P.17 (Q.Phú Nhuận) dù có treo biển “Cấm đánh bắt cá dưới kênh Nhiêu Lộc với mọi hình thức” nhưng vẫn có người đứng câu. Có những đoạn kênh như từ cầu số 3 đến cầu số 4 thuộc P.5 (Q.Tân Bình) chỉ khoảng 200 m nhưng có tới gần 50 người đứng câu. Khi PV tiếp cận, hầu hết các “cần thủ” đều phân bua “chỉ câu giải trí thôi”, dù nhiều người dùng từ 2 cần trở lên, thậm chí có người “quản” đến 5 cần và bên cạnh còn có xô nước to để đựng cá!
Càng về chiều, lượng người đổ ra kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè câu cá càng dày đặc hơn. Cảnh tượng này cũng xảy ra tương tự tại kênh Tàu Hũ-Bến Nghé (chảy qua địa bàn các quận: 1, 4, 5, 8…). Một người dân sống trên đường Võ Văn Kiệt, sát dòng kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, bức xúc: “Tôi đọc báo thấy nhà nước đã bỏ tiền thả hàng trăm ngàn con cá giống để cải tạo các con kênh. Xanh, đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy hằng ngày có nhiều nhóm cả chục người không rõ từ đâu kéo đến câu ào ạt luôn. Họ không chỉ dựng xe ngổn ngang bít lối đi dành cho người đi bộ mà còn ăn uống xả rác rất mất vệ sinh”.
Sẽ bổ sung biện pháp xử phạt
|
Theo ông Liêm, Sở GTVT đang triển khai cắm các biển báo cấm dọc theo các kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hũ -Bến Nghé để làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 6, Nghị định số 171 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”. Nếu như người câu cá dừng đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường thì sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Lực lượng trật tự đô thị các phường được giao trách nhiệm phối hợp công an tiến hành kiểm tra, xử phạt.
Sở dĩ TP vận dụng quy định của Nghị định 171 để xử phạt là do Nghị định số 103 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản chưa có quy định xử phạt đối với hành vi câu cá trên các kênh rạch, ao, hồ trong khu vực đô thị.
Cũng theo ông Liêm, Sở GTVT sẽ áp dụng điều 36, Nghị định số 93 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Theo đó, phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông; phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa; phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng...
Việc xử phạt nói trên là cần thiết trong bối cảnh TP hiện nay. Trong tương lai khi môi trường TP đã cải thiện tốt, TP nên tổ chức những điểm câu cá giải trí có thu phí cho người dân có nhu cầu.
Bình luận (0)