Cầu chờ …đường

20/05/2013 09:59 GMT+7

Cũng như cầu Đồng Nai mới, cầu Bửu Hòa, bắt qua sông Đồng Nai nhằm tách đường bộ ra khỏi đường sắt cũng lâm vào tình trạng chưa có đường dẫn vào cầu.

Cầu chờ …đường

 Đoạn đường dẫn Đặng Văn Trơn dài hơn 800m hiện rất xấu - Ảnh Lê Lâm

Cầu chờ …đường

Rào chắn cấm phương tiện đường bộ lưu thông ở 2 đầu cầu Ghềnh - Ảnh Lê Lâm

Vào ngày 27.4, cầu Bửu Hòa, nối bờ từ P. Bửu Hòa qua xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) được khánh thành. Dù vậy, con đường dẫn vào cầu (phía xã Hiệp Hòa) vẫn chưa được xây dựng. Trong khi đó, ngày 15.5, Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 3 (Đường sắt Việt Nam) đã lập rào chắn, cấm các phương tiện qua lại cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát, kiến việc đi lại cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Đường trơn… trợt

 

Anh Nguyễn Thanh Lâm (ngụ P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) bức xúc nói: “Việc cấm các phương tiện đường bộ lưu thông qua hai cầu sắt để bảo đảm an toàn giao thông là một việc làm thiết thực. Tuy nhiên chúng ta đã chấp nhận được bao lâu nay sao không cố gắng thêm một thời gian nữa chờ cho cầu đường đồng bộ rồi mới cấm”.

Theo ghi nhận thực tế, con đường Đặng Văn Trơn (xã Hiệp Hòa) dẫn vào cầu (dài khoảng 800m) chưa được giải tỏa, nay đang xuống cấp nghiêm trọng do xe tải cày xới trong quá trình thi công cầu Bửu Hòa. Mặt đường xuất hiện rất nhiều ổ gà, ổ voi, chỉ cần một cơn mưa nhỏ, thì biến thành… ao, làm việc đi lại của người dân gặp rất nhiều vất vả.

Cô Hoàng Thị Hoa (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) ngày nào cũng đưa con qua xã Hiệp Hòa để đi học nói: “Việc cấm lưu thông qua hai cầu sắt khiến tôi phải đi vòng thêm một quãng đường khá xa, mặt khác đoạn đường Đặng Văn Trơn quá xấu, ổ gà, ổ voi lổ chổ, mưa xuống thì ngập mà nắng lên thì bụi, đã vậy còn hẹp nếu hai chiếc xe ô tô đối đầu nhau là kẹt nên việc đi lại khó khăn hơn trước rất nhiều”.

Còn đối với người dân sống hai bên đường và tiểu thương ở chợ Hiệp Hòa thì tình cảnh còn khổ hơn gấp bội. Từ ngày cầu Bửu Hòa thông xe, lượng phương tiện lưu thông qua đây tăng lên đáng kể, nhất là xe ô tô khiến cho bụi đường bay mù mịt, mọi người phải thường xuyên tưới nước ra đường để giảm bụi. Mưa xuống thì nước đọng thành từng vũng, trước đây đã lầy lội bây giờ càng lầy lội, trơn trợt hơn. Vì thế mà lượng khách đến mua bán ở chợ giảm hẳn khiến ai cũng buồn rầu. Anh Nguyễn Duy Đức, chủ một quán cà phê trên con đường này cho biết: “Để hạn chế bụi đường bay vào nhà chúng tôi phải lấy nước xịt lên, nhưng do nước máy lại mắc nên không dám phung phí, đành tận dụng nước thải sinh hoạt tưới ra chữa cháy được chừng nào hay chừng đó”.

Kiến nghị xin giãn thời gian

Trao đổi với chúng tôi, Ông Phạm Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) nhìn nhận: “Do đường Đặng Văn Trơn chưa được đầu tư nâng cấp và đang xuống cấp, nên việc cấm lưu thông qua hai cầu sắt sẽ dễ dẫn đến việc ùn tắt giao thông cục bộ. Cho nên ngay trong sáng 15.5, khi biết thông tin Ban Quản lý dự án Đường sắt khu vực 3 ra lệnh cấm trên, UBND xã Hiệp Hòa đã có công văn gửi UBND TP.Biên Hòa, Phòng Quản lý-Đô thị TP.Biên Hòa kiến nghị cho giản thời gian cấm xe lưu thông qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát để giảm áp lực phương tiện lưu thông qua đường Đặng Văn Trơn”.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ký Quyết định phê duyệt dự án xây dựng, nâng cấp mở rộng đường Đặng Văn Trơn. Theo đó, toàn tuyến được thiết kế dài 825m, rộng 10,5m, mỗi bên vỉa hè rộng 4m, nền đường rộng 18,5m, tải trọng xe 10 tấn/trục; đường có điểm đầu giao với đường Đỗ Văn Thi (cầu Hiệp Hòa), điểm cuối dẫn lên cầu Bửu Hòa. Tổng vốn đầu tư dự án gần 88 tỉ đồng và giao UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư. Trong đó có 110 hộ dân bị thu hồi đất một phần hoặc toàn bộ (khoảng gần 14.000m2). Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án TP. Biên Hòa, thì dự kiến cuối năm 2013 dự án này mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

LL

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.