Mở cửa vào hôm nay 22.6, nhóm tháp G chính thức “khép” lại hành trình hơn 10 năm thầm lặng trùng tu với những phát hiện đặc biệt ở di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Bốn ngày trước khi tháp G mở cửa, các chuyên gia vẫn loay hoay khoan, gắn phiến đá bị gãy đôi nơi bệ thờ tháp G2 để mang đặt lại vị trí cũ. “Nhóm tháp này hư hại nặng nề. Quanh đây có 2 hố bom. Khi chúng tôi mới đến, nơi này toàn là rừng cây”, TS Patrizia Zolese - chuyên gia khảo cổ Ý, khoát tay chỉ bao quát mỏm đồi nhỏ, nơi có nhóm tháp xây dựng từ khoảng giữa thế kỷ 12.
|
Hai thành công lớn
Bắt đầu từ năm 2004, chương trình hợp tác 3 bên giữa Chính phủ Việt Nam, Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chính phủ Ý đã chọn Quảng Nam để thực hiện dự án Bảo vệ khu di sản thế giới Mỹ Sơn: Thuyết minh và đào tạo trong việc áp dụng các tiêu chuẩn bảo tồn quốc tế tại các đền thờ thuộc nhóm G tại Mỹ Sơn. Đến năm 2011, nhóm tháp G tiếp tục hoàn thiện trùng tu, củng cố hệ thống thông tin diễn giải cho du khách. Nếu tính cả giai đoạn 1997 - 2003 tập trung khảo sát, thăm dò, phân tích… thì câu chuyện của tháp G “dài” ngót 14 năm rồi.
Khi Thanh Niên đặt câu hỏi về kết quả trùng tu tháp G, bà Patrizia Zolese nhanh chóng liệt kê 2 thành công lớn: Thứ nhất, dự án đã nghiên cứu, tìm ra vật liệu tương đồng với loại mà người Chăm cổ sử dụng, gồm vữa liên kết và sản xuất gạch phục chế. Loại nhựa cây (cùng với dầu rái) có ở rừng Mỹ Sơn, còn gạch Chăm được đặt hàng cho cơ sở gạch tại H.Duy Xuyên theo yêu cầu kỹ thuật của các chuyên gia. Thứ hai, đào tạo được 50 “chuyên gia nông dân” - những nhân công địa phương thạo việc trùng tu. “Khi họ chuyển sang trùng tu tại tháp E7, thấy hiệu quả rất tốt! Các chuyên gia nước ngoài và ở Hà Nội rồi cũng sẽ rời Mỹ Sơn về hết. Lúc đó, những công nhân địa phương trở thành đội ngũ bảo tồn kế tiếp”, Patrizia Zolese nói.
|
Viên gạch Chăm chính là trở ngại lớn nhất trong quá trình trùng tu nhóm tháp G, sau thời gian nghiên cứu rất dài. Giờ đây, đã có được viên gạch Chăm với độ tương đồng khoảng 90% so với viên gạch Chăm cổ nhưng cũng đã là thành công lớn, theo đánh giá của bà Patrizia Zolese. Giá thành viên gạch Chăm khoảng 70.000 đồng/viên, nhưng theo ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn: “Nếu tính tất cả chi phí và công sức nghiên cứu suốt thời gian qua, rồi thủ tục gửi mẫu vật đi nước ngoài mỗi năm 3 lần, thì mỗi viên gạch đã ngốn xấp xỉ 1 triệu đồng”.
Bậc thầy xây dựng
Có thể xem việc phát lộ những hiện vật điêu khắc đất nung là một thành công đặc biệt nữa từ dự án này. Có ít nhất 400 hiện vật giá trị như vậy đang lưu giữ tại nhà trưng bày bên ngoài Khe Thẻ. Theo đánh giá của chính nhóm chuyên gia, từ lượng lớn mẫu vật quan trọng thu được cho thấy “những khía cạnh nghệ thuật chưa từng được biết tới của các nhà xây dựng bậc thầy người Chăm”.
“Khoảng trống” 10% chưa tương đồng giữa vật liệu cổ với các nghiên cứu mới, như nữ TS Patrizia Zolese đánh giá, đã nhận được sự đồng cảm từ ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam: “Đó là suy nghĩ đúng, bởi tất cả giải pháp trùng tu hiện nay đều mang nhiều tính thử nghiệm và… không ai dám chắc 100%. Tu bổ di tích không phải là công việc ngày một ngày hai. Không thể thấy thành công ban đầu là có thể áp dụng hàng loạt”. Nhưng ông Tịnh khẳng định thành công của nhóm tháp G rất đáng trân trọng, khi Mỹ Sơn có thêm nhóm tháp được tu bổ, tôn tạo và mở cửa tham quan. Kể từ sau khi nhóm B, C, D được kiến trúc sư Ba Lan Kazik thực hiện, đây là nhóm tháp Chăm được tu bổ khá hoàn chỉnh.
Trong phòng trưng bày mẫu vật từ nhóm tháp G Mỹ Sơn thấy ghi dòng chữ này: “Chúng tôi rất biết ơn những người thợ lành nghề đồng hành cùng chúng tôi trong suốt những năm qua. Nếu không có sự cống hiến tài năng và sức chịu đựng bền bỉ của họ, công việc này sẽ không bao giờ có thể được hoàn thành”. Nhưng thực ra, công sức thầm lặng của nhóm chuyên gia với sự hướng dẫn kỹ thuật của nhóm khảo cổ học, Viện Lerici thuộc Đại học Milan (Ý) mới đáng kinh ngạc và cần được tôn vinh trước tiên.
Những phát hiện đặc biệt tại tháp G Lần đầu tiên ký tự Hán cổ được tìm thấy ở di tích Chămpa, khắc trên 2 chốt bằng gạch nung thuộc phần mái của tháp G1 ở độ sâu 1,5 m. Tấm văn bia 4 mặt, được đánh giá là một trong 4 văn bia quan trọng nhất trong di sản văn hóa Chămpa hiện tại. Tại lòng tháp G3, phát hiện hình chim bằng đất nung (ngỗng Hamsa), hiện vật chưa bao giờ được tìm thấy ở di tích Chămpa khác. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Di tích Mỹ Sơn lên máy bay
>> Quảng bá di tích Mỹ Sơn qua đường hàng không
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Lấy ý kiến chuyên gia trước ngày 10.5
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Rải đất rồi trồng cỏ
>> Mở dịch vụ homestay ở Mỹ Sơn
Bình luận (0)