Câu chuyện giáo dục: Bao giờ học sinh thôi học bài... ngoài đường ?

01/11/2019 11:14 GMT+7

Tôi thường đi trên nhiều tuyến đường ở 2 thành phố lớn: TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và TP.HCM vào nhiều thời điểm trong ngày. Chính vì thế, tôi thường thấy hình ảnh học sinh 'ăn (ngoài)… đường', 'ngủ… đường' và 'học… đường'.

Học sinh có những bữa ăn trên đường phố đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Có em ăn trong lúc ngồi chờ xe buýt, có em tranh thủ ăn khi ngồi sau lưng ba mẹ trong quá trình di chuyển đến trường, có em tranh thủ ăn bánh mì hay những bữa ăn vội trước cổng trường sau khi tan học buổi chiều chuẩn bị học... ca đêm.
Học sinh ngủ… đường càng phổ biến hơn, nhất là ở bậc tiểu học. Nhìn các em “ngủ vội, ngủ bù” sau lưng ba mẹ mà thương vô cùng.
Một hình ảnh đặc biệt hơn nữa, đó là tình trạng học… đường. Trên đường đến trường, nhiều học sinh phải tranh thủ học bài, xem lại bài cũ.
Có thể đưa ra một bài toán cho: Ăn đường + ngủ đường + học đường = bệnh thành tích (đánh cắp tuổi học trò). Học sinh phải ăn những bữa ăn trên đường phố, ngủ vội trên đường phố, học vội trên đường phố khi ngồi sau lưng ba mẹ xuất phát từ căn bệnh thành tích này. Thời gian dành cho việc học quá nhiều, học sinh phải làm bài quá nhiều, nhất là học thuộc lòng nên các em kham không nổi. Cũng chính vì thế mà các em thiếu ngủ, từ đó buộc phải ăn, ngủ và học trên đường đến trường.
Một sáng tháng 10, khi đi trên đường Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, tôi cũng như không ít người cảm xúc khi nhìn thấy bà mẹ chở hai đứa con đi học. Đứa ngồi trước nằm kê trên đầu xe tranh thủ chợp mắt, đứa ngồi sau dựa vào lưng mẹ tranh thủ ngủ bù. Thương cho hai đứa trẻ. Một sáng khác, tôi đi trên đường Lạc Long Quân, P.8, Q.Tân Bình, TP.HCM thì thấy hình ảnh một học sinh lại tranh thủ “nhồi nhét” thêm ít kiến thức khi ngồi sau lưng mẹ.
Càng chống bệnh thành tích, bệnh thành tích càng nở rộ. Hô hào chống bệnh thành tích nhưng không bằng những hành động thiết thực, hay hành động nửa vời khiến không ít học sinh mệt mỏi, trầm cảm ở lứa tuổi đẹp nhất, đáng yêu nhất của đời người.
Biết bao hệ lụy từ bệnh thành tích, những vụ việc đau lòng đã từng xảy ra như trầm cảm, quyên sinh, thế nhưng vẫn không thức tỉnh một số bậc phụ huynh. Họ muốn con đạt được những thành tích để... nở mày nở mặt nhưng họ “quên” đi việc con bị áp lực quá nặng nề. Muốn con được vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc nhưng họ đang cướp mất những thứ ấy.
Bao giờ thôi hết tình trạng ăn đường, ngủ đường, nhất là... học đường? Đây là một câu hỏi lớn rất cần lời giải đáp từ cấp bộ đến cấp cơ sở của ngành giáo dục. Bao giờ người lớn mới thôi quan trọng bệnh thành tích để con được sống vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.