Câu chuyện giáo dục: Bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục - đến bao giờ?

04/06/2018 09:36 GMT+7

Tuần đầu tháng 6, học sinh lớp 9 ở 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hết sức căng thẳng vì cạnh tranh gay gắt.

Nhìn vào một vài con số để thấy hết mức độ căng thẳng của kỳ thi. Một số trường chuyên ở Hà Nội có tỷ lệ “chọi” từ 10 đến 15, riêng chuyên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là 1/35.
Ở TP.HCM, các trường THPT công lập chỉ đáp ứng khoảng 70% số lượng thí sinh dự thi. Tỷ lệ này ở Hà Nội là 62%. Trong một phóng sự của Đài truyền hình VN, khi trả lời phụ huynh tham gia chương trình, người có trách nhiệm của Sở GD-ĐT Hà Nội trấn an rằng chất lượng của nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội cao hơn chất lượng của một số trường công.

Các học sinh có quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là điều mà xã hội tiến bộ nào cũng hướng tới. Thế nhưng trong điều kiện VN hiện nay, điều này vẫn làm tôi băn khoăn. Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đã không thể đưa nội dung giáo dục bắt buộc đối với mọi công dân trong độ tuổi đi học đến hết lớp 9. Nếu đưa được vào luật cụm từ “giáo dục bắt buộc với công dân trong độ tuổi học trung học cơ sở”, có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, nhất là những công dân chưa đến tuổi lao động.
Cũng có người lập luận rằng, nếu áp dụng giáo dục bắt buộc hết THCS thì các trường ngoài công lập không có đất sống! Giáo dục ngoài công lập có chức năng cùng giáo dục công lập đảm bảo cho giáo dục nước nhà phát triển chứ không phải được sinh ra để kiếm lời. Những gia đình có điều kiện kinh tế, những doanh nghiệp, doanh nhân muốn cống hiến cho xã hội đều có thể mở ra các trường ngoài công lập nhưng việc các gia đình có thể cho con vào các trường ngoài công lập hay không lại là chuyện khác.
Nên nhớ rằng, các học sinh gia đình có thu nhập thấp thường không có khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao trong cơ chế thị trường hiện nay. Đứng ở góc độ nào đó, sự nghèo khó đi cùng với học vấn: nghèo thì khó có thể có học vấn cao. Nếu đưa vào luật Giáo dục bắt buộc với tất cả các công dân trong độ tuổi đi học hết THCS thì chúng ta đã có thể tạo bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho công dân tương lai và nhất là có được những công dân tương lai có chất lượng. Xin đừng lấy đi cơ hội của người nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.