Đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu ngành GD-ĐT với lo ngại về một nền giáo dục sẽ dạy được gì cho trẻ em bằng những bảng điểm đẹp một cách phi lý như vậy, hay chỉ dạy trẻ em nói dối?
Một trường học danh tiếng bậc nhất ở thủ đô vừa công bố danh sách hàng trăm học sinh (HS) dự tuyển với la liệt điểm 10, hiếm hoi lắm mới xuất hiện 1 điểm 9 ở những trang học bạ đẹp đến… nhức nhối.
HS giỏi quá nhiều khiến cho danh hiệu trên HS giỏi là học sinh tiêu biểu cũng bị… rẻ rúng khi ngành GD-ĐT ở một quận của Hà Nội tổ chức tuyên dương nhưng chỉ kịp chuẩn bị phần thưởng là một hộp quà rỗng, trao tượng trưng.
tin liên quan
Câu chuyện giáo dục: Lễ tổng kết năm học ít báo cáo thành tíchCả xã hội như đang bị cuốn vào cuộc đua danh hiệu trên giấy khen về thành tích học tập khiến một số trường mầm non ở Thanh Hóa, Điện Biên… cũng “chẳng tiếc gì” mà không ghi vào giấy khen cho cả… trẻ mẫu giáo.
Thế nhưng, không phải vì “lạm phát HS giỏi” mà học trò và cha mẹ các em không thích được nhận lời khen, giấy khen từ thầy cô. Điều mà họ mong muốn là lời khen ấy, danh hiệu ấy phải chỉ được trúng điểm mạnh, ghi nhận được nỗ lực, cố gắng của các em so với chính mình. Khi ấy, lời khen sẽ thực sự chắp cánh, tạo động lực cho các em tiếp tục phấn đấu.
Một giáo viên ở Thanh Hóa đã khiến học trò của mình và dư luận nức nở khi kỳ công tự thiết kế và viết nội dung giấy khen cho 28 HS với cách khen không hề giống bất cứ khuôn mẫu nào. Mỗi HS được cô dành tặng một lời khen theo đúng sở trường, thế mạnh.
Cách đây 20 năm, khi chúng tôi đến điểm trường xa xôi trong bản người dân tộc ở một tỉnh miền núi phía bắc, đã chứng kiến và vô cùng xúc động khi thầy hiệu trưởng ở đây cho biết nhà trường và giáo viên phải tìm mọi cách để HS thích đi học. Để HS dân tộc đọc thông viết thạo tiếng Việt còn rất khó khăn, nếu cứ “vống” lên khen các em là HS giỏi, tiên tiến thì không thể. Các thầy cô bèn tìm ra nhiều điểm khác để khen học trò của mình, tạo niềm vui đến trường cho HS. Vậy là HS nào cũng có giấy khen. Em thì được khen đi học đều, em được khen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thậm chí có em được khen ngày nào cũng mang… dép đi học. Đơn giản vì HS ở vùng sâu, vùng xa thời ấy, việc đi học đều hoặc mang dép đi học thay vì để đầu trần, chân đất đã là thành tích thực sự.
Và điều quan trọng, như chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, đã chia sẻ với Thanh Niên, học trò thời nào cũng thích được khen nhưng chắc chắn chúng không thích những lời khen “đồng phục” và lại càng ít cảm xúc hơn với những lời khen mà chúng biết không thực sự dành cho mình.
Bình luận (0)