Gạo, đậu xanh chị dâu tôi đã vo sạch, đãi vỏ từ sáng cho ráo nước. Lá dong cũng tước cọng, rửa sạch, còn lạt chẻ từ cây dùng (cùng họ với tre), bố tôi đã làm trước đó cả tuần. Cơm tối vừa xong, cái chiếu lớn trải ra giữa nhà, chúng tôi ngồi xung quanh bố, người gấp, người cắt lá, các cháu nhỏ lăng xăng chạy nhảy, ôm những chiếc bánh mới gói thơm ngát mùi gạo và lá đi khắp nhà. Lũ trẻ rất thích được ưu ái cho mấy cái bánh “đùm”, không cần dùng khuôn, bánh này luộc rất mau chín, và ăn thì thơm ngon vô cùng.
Anh tôi mở một bản nhạc xuân, thường là Happy New Year của Abba, nghe thôi đã thấy nao nức tết. Vừa gói bánh, bố vừa kể chuyện, những năm thời bao cấp mọi thực phẩm phải xếp hàng để mua thì bánh chưng tết là một xa xỉ phẩm. Cả nhà đông con ngồi trông nồi bánh chưng sôi trên bếp củi, có năm mệt quá, vừa vớt xong bánh thì mấy đứa trẻ lăn ra ngủ, thế là trộm tới khiêng mất hơn chục cái bánh chưng - tài sản “khổng lồ” lúc đó, cả nhà khóc ròng vì mất tết. Hầu như năm nào bố cũng kể lại câu chuyện ấy, chúng tôi không ai thấy chán, chỉ thấy đúng là mùi vị tết đang bay bay trong không khí rất gần.
Tết bây giờ chẳng ai còn ăn trộm bánh chưng. Nhưng ở thành thị, nhà giữ được truyền thống gói bánh chưng trước đêm giao thừa thì không nhiều. Bởi ra siêu thị cái là “khuân” cả tết về nhà, rồi ai cũng sợ mập, ngán mỡ gạo nếp. Bố tôi vẫn giữ lập trường, năm nào cũng phải làm một nồi bánh chưng đúng ngày 28 tháng chạp. Bố nói, “để các cháu biết phong tục, quý trọng truyền thống, tình cảm gia đình. Để đi đâu, các con cũng nhớ về nhà mình, có bố gói bánh chưng đợi các con đi đâu rồi cũng sẽ trở về”.
Những cái tết được quây quần gói bánh chưng, với chúng tôi còn là khoảnh khắc để mình nhớ về bà nội, trân trọng những giây phút bình yên mình cùng ngồi với nhau.
Tết không phải là mâm cao cỗ đầy, chẳng phải bánh mứt ngập tràn, tết là được ở cùng với nhau, trong vòng tay của gia đình mình, phải không bố?
Bình luận (0)