Câu chuyện giáo dục: Làm hiệu trưởng 'quyền rơm vạ đá'

06/12/2018 09:03 GMT+7

Từng có nhiều năm là tổ trưởng chuyên môn, trực tiếp làm việc với hiệu trưởng, có một số bạn bè là hiệu trưởng cấp THCS, tôi biết họ đang 'múa tay trong bị', nói cách khác là không có thực quyền.

Đầu năm học, hội nghị công nhân viên từng trường thảo luận và nhất trí kế hoạch năm học. Tuy nhiên, phần lớn các kế hoạch đó đều “ngủ vùi” trong tủ hồ sơ của các hiệu trưởng. Bởi lẽ hằng tuần, các trường phải vắt giò lên cổ thực hiện đủ thứ chỉ đạo “gấp và khẩn” của ngành cấp trên, lấy đâu thời gian đem kế hoạch của trường mình ra mà thực hiện?
Nhân viên văn thư một trường THCS kể: Sáng sớm, vừa bật máy tính lên là thấy công văn hiện ra “đen đặc” hộp thư đến. Trong đó, ngoài hàng chục công văn chỉ đạo của ngành dọc còn có khá nhiều công văn của các ngành hữu quan. Công văn nào cũng có hạn chót sát với ngày nhận nên các bộ phận trực thuộc phải làm bù đầu cho kịp. Do vậy, không ít chương trình, kế hoạch của trường trong tuần A phải “di dời” sang tuần B, C hoặc phải bỏ.
Các chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh trong kế hoạch năm học được xác lập từ tình hình thực tế của trường, của địa phương rốt cuộc cũng phải được “điều chỉnh” cho phù hợp với những chỉ tiêu “hoành tráng” hơn của cấp trên. Dù biết những chỉ tiêu “hoành tráng” đó chính là triệu chứng của bệnh thành tích nhưng có hiệu trưởng nào dám “bất tuân”? Vì thế con số cuối học kỳ, cuối năm bao giờ cũng được hiệu trưởng chỉ đạo “gọt giũa” cho thật “bóng và đẹp”.
Những học sinh thiếu điểm vì lêu lổng, hiệu trưởng vừa khuyên vừa… lệnh giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà vận động các em đến trường ôn thi. Giáo viên bộ môn được chỉ đạo miệng rằng nội dung ôn thi phải hết sức “gần gũi” với đề thi để các em có đủ điểm lên lớp.
Còn nhớ năm đầu thực hiện chỉ thị “Hai không”: Chống bệnh thành tích và gian lận thi cử. Trường THCS X. không công nhận tốt nghiệp cho khoảng gần 10 học sinh bị xếp loại yếu kém. Số này thực ra lớn hơn nhiều nhưng vì hiệu trưởng vừa làm… vừa run nên chỉ bao nhiêu đó thôi. Quả nhiên, trường X. và một số trường khác có cách làm tương tự bị cấp trên quở trách nặng nề. Nghỉ hè được vài hôm thì giáo viên bộ môn được yêu cầu ra đứng lớp “ôn” cho số học sinh này thi lại để… tái xét tốt nghiệp. Tất nhiên là kết quả trơn tru.
Những năm sau, “Hai không” thành… “Hai khôn”. Một là, vẫn trương khẩu hiệu ấy lên. Hai là vẫn thi cử “bình thường” như trước đây. Và mọi chuyện vẫn như… xưa.
Một hiệu trưởng than phiền rằng, quyền của hiệu trưởng chỉ có trong… luật Giáo dục. Còn trên thực tế thì không. Trường không được tuyển nhân sự theo nhu cầu của đơn vị mình mà chỉ nhận từ cấp trên theo kiểu thiếu văn thì thêm… sử, thiếu lý thì thêm… thể dục! Học sinh hết lớp 5 chưa qua sàng lọc đã nghiễm nhiên ngồi vào lớp 6. Điểm học bạ đẹp hết chê nhưng kiểm tra thì nhiều em không viết nổi một câu văn, không làm nổi bốn phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản. “Vậy mà cứ bắt chúng tôi phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo. Thật đúng là quyền rơm vạ đá”, hiệu trưởng này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.