Câu chuyện giáo dục: Mất dần vai trò cha mẹ học sinh trong các buổi họp

14/01/2020 08:24 GMT+7

Vào thời điểm này, hầu hết các trường phổ thông đều đã tổ chức họp cha mẹ học sinh giữa năm học nhằm sơ kết kết quả học tập và rèn luyện hạnh kiểm của học sinh (HS) trong học kỳ 1.

Một lần nữa tôi lại thấy băn khoăn về cuộc họp này, nhất là về vai trò của cha mẹ HS.
Quan sát các cuộc họp phụ huynh gần đây, tôi thấy việc phụ huynh phát biểu đóng góp ý kiến với lớp, với trường ngày càng ít dần. Có những cuộc họp chính bản thân tôi mời gọi phụ huynh cả ba, bốn lần, song cũng chẳng thấy phụ huynh nào phát biểu.
Hầu hết biên bản sau cuộc họp cha mẹ HS đều thấy ghi “phụ huynh nhất trí 100%”, hoặc “cha mẹ HS không ý kiến”.
Có nhiều lý do để giải thích cho sự im lặng của phụ huynh: hoặc thành tích của lớp, của trường đã quá hoàn hảo; hoặc phụ huynh ngại nói, sợ đụng chạm; cũng có một số phụ huynh thờ ơ, không quan tâm; một số cứ nghĩ mình là “khách”, còn “chủ” là nhà trường, là giáo viên chủ nhiệm; không loại trừ có phụ huynh suy nghĩ “có góp ý cũng thế thôi, chẳng suy suyển gì”... Vì thế mà các cuộc họp cha mẹ HS hiện nay diễn ra một chiều từ nhà trường, giáo viên xuống phụ huynh. Không có phản biện từ phụ huynh, nhà trường khó phát triển, quyền lợi học tập của HS khó hoàn thiện.

Hầu hết biên bản sau cuộc họp cha mẹ HS đều thấy ghi “phụ huynh nhất trí 100%”, hoặc “cha mẹ HS không ý kiến”.

Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch

Tôi nhớ cách đây không lâu, một trường tiểu học ở Hà Nội đã “lột xác” cuộc họp này bằng cách cho các HS làm chủ để báo cáo kết quả học tập. Bàn ghế được bố trí theo hình chữ U để phụ huynh tiện trao đổi, tranh luận. Và cha mẹ các em đã mổ xẻ rất nhiều vấn đề, hầu hết đều góp ý xây dựng, tốt hơn cho cả tập thể lớp.
Tôi cũng từng chứng kiến những cuộc họp phụ huynh kéo dài từ sáng đến trưa mà chưa kết thúc. Cha mẹ các em tranh luận rất nhiều. Nói thật, những cuộc họp căng thẳng như thế thì người dự chẳng vui vẻ gì, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Nhưng sau đó nhà trường đều có những điều chỉnh tích cực, có lợi cho HS.
Phụ huynh ít phát biểu, góp ý đã đành, còn có một số phụ huynh rất “cá biệt”. Họ quá nặng về tiền bạc, đóng góp. Nên hễ cứ nghe nhà trường mời họp là nghĩ ngay đến việc đóng tiền. Một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 cho biết: “Có một phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm lạ lắm. Cả hai lần họp, phụ huynh này đều gặp riêng tôi rồi nói: Thầy cho tui biết đóng tiền bao nhiêu để tui đóng rồi tui xin về sớm vì bận công việc”.
Thực tế này cho thấy mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình hiện còn đôi chỗ trật nhịp. Đâu là nguyên nhân sâu xa của hiện trạng không mấy tốt đẹp trên?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.