"Điều con muốn nói"
Đó là chủ đề buổi họp phụ huynh đầu năm của lớp 6/14 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) diễn ra vào tháng 9 vừa qua. Như lời giáo viên chủ nhiệm lớp chia sẻ, hình thức buổi họp cũng như cách thức tổ chức xuất phát từ ý tưởng của các thầy nhóm “Dạy học tích cực”. Hình thức này cũng đã từng thử nghiệm trong năm học trước, thấy rất hiệu quả nên cô tiếp tục thực hiện cho năm học này.
Theo đó, mỗi giáo viên có cách thực hiện khác nhau. Có người cho học sinh viết vào giấy ghi nhớ, có giáo viên cho in giấy hoa văn để học sinh viết. Sau khi trò chuyện với hơn 30 học sinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/14 quyết định: “Các con tự chọn khổ giấy, tự trang trí, vẽ theo ý tưởng của các con, sau đó viết lời tâm sự với ba mẹ. Như vậy ba mẹ sẽ thấy lá thư con gửi cho ba mẹ là lá thư con đã dành tất cả tình cảm”.
Và kết quả, 33 lá thư là 33 tâm sự của các em học sinh. Trong đó, có những lá thư “mong ba không nhậu nhiều”, mong ba hoặc mẹ đừng hút thuốc vì hút thuốc có hại cho sức khỏe, có bé còn mong “mẹ dành thời gian nấu một bữa ăn cho con và ba, vì con và ba cứ đi ăn tiệm hoặc mì gói”. Và có những bé lại viết những mục tiêu cá nhân để gửi lời hứa đến ba mẹ trong những ngày đầu năm học mới.
Đó là “Điều con muốn nói” gửi đến ba mẹ: “Ba mẹ ơi! Con đã học thêm khá nhiều và con chỉ mong muốn ba mẹ chở con đi chơi. Con biết là ba mẹ rất bận nhưng con muốn có nhiều kỷ niệm với gia đình mình hơn. Con yêu ba mẹ nhiều lắm”
Nhận thư của con, giáo viên thực hiện ý tưởng này cho hay một số phụ huynh đã phản hồi trên lớp là thấy xấu hổ vì đã hút thuốc nhiều quá. Hay cuối giờ có phụ huynh còn nói với con: Trong thư bố chỉ không đồng tình với con từ “cãi vã” vì thực ra bố mẹ đang “tranh luận” thôi.
Lắng nghe, sẻ chia cùng con
Về ý tưởng này, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/14, chia sẻ: “Năm đầu cấp THCS là năm thật sự khó khăn với các con. Các con làm quen với trường mới, nhiều thầy cô mới, học nhiều môn học hơn. Việc các con được trải lòng với ba mẹ sẽ giúp các con nhẹ lòng hơn, giải tỏa được những lo lắng căng thẳng mà các con khó có thể tâm sự bằng lời với ba mẹ”.
Còn với phụ huynh, thì đây sẽ là một phút “lặng” để thấy rằng, mình đã bao lâu rồi không ngồi lắng nghe con chia sẻ. Để thấy rằng những việc mình làm các con đều để ý rất kỹ và các con đã biết đánh giá về những việc làm đó. Từ đó, cha mẹ sẽ thay đổi những hành vi không tốt, và biết lắng nghe, sẻ chia cùng con, giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Khi đọc được mục tiêu của con, cha mẹ cũng sẽ định hướng được ước mơ của con và giúp con thực hiện những mục tiêu đó.
Cũng từ những lời tâm tình của học trò gửi cho phụ huynh, giáo viên cũng phần nào hiểu được những tâm tư, những khó khăn mà học trò đang gặp phải. Ngoài ra giáo viên còn hiểu được tính cách của mỗi em, có bé rất dạt dào tình cảm, có bé rất hài hước, có bé lại có rất nhiều vết thương lòng... Từ đó thầy cô sẽ có cách nói chuyện, chia sẻ để gần gũi với trò và có thể hướng học sinh đến những điều tốt đẹp hơn.
Bình luận (0)