Không để trẻ 'ngồi nhầm lớp'

An Dy
An Dy
26/09/2019 14:20 GMT+7

Khi ngành giáo dục nới lỏng “sợi dây” thành tích, câu chuyện học sinh cá biệt trở nên dễ chia sẻ hơn, thậm chí nhà trường chấp nhận cho lưu ban vì không muốn “có lỗi” với chính các em…

Tôn trọng và thấu hiểu

Nhiều năm qua, tại Trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng), những học sinh (HS) cá biệt (theo nghĩa bất thường về cảm xúc, hành vi, mức độ tiếp thu) được đặc biệt quan tâm. Không khó để nhận ra sự “khác biệt” của em HS ấy, nhất là ở năm đầu cấp, kể cả khi phụ huynh không thừa nhận. Đó là những trẻ “ưng gì làm nấy”. “Chúng tôi gửi các HS này vào lớp của những cô giáo kiên trì nhất, ôn hòa nhất để giúp các em có được sự hỗ trợ tận tâm”, cô hiệu trưởng Huỳnh Thị Thu Nguyệt nói.
Cô giáo Hồng Yến, người nhiều năm kiên trì với trẻ “cá biệt” ở Trường tiểu học Núi Thành, cho biết chuyện hòa nhập trong một lớp không hề dễ dàng, cần sự đồng hành của giáo viên lẫn bạn bè. Bởi các em cá biệt ấy thường làm những điều... không ai làm, thậm chí chọc phá bạn bè, giật tóc cô giáo, gây rối... “Điều mình làm khi ấy chỉ có thể là giữ cho cảm xúc ôn hòa, tạo sự tin cậy hết mức có thể từ trẻ và tin rằng chúng sẽ ổn định hơn trong từng giai đoạn”, cô Yến nói.
Nhiều năm nghiên cứu về phát triển giáo dục hòa nhập cho trẻ cá biệt, tự kỷ, thầy giáo Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Đà Nẵng), cũng khẳng định: “Đa phần trẻ sẽ phát triển ổn định ở vài năm sau đó. Quan trọng là trẻ được theo dõi và đồng hành hỗ trợ”. Theo thầy Phong, với những HS dù đã được kèm cặp nhưng khả năng tiếp thu quá thấp, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh để đưa trẻ sang dạng khuyết tật trí tuệ, chỉ học hòa nhập về kỹ năng và những môn học cháu thích. Chấp nhận sự “cá biệt” của HS cũng là cách để giúp các em hòa nhập. Nhà trường khuyến khích phụ huynh lập hồ sơ y tế để có cơ sở theo dõi và hỗ trợ kỹ năng cho HS; sau vài năm, HS phát triển ổn định thì sẽ hủy hồ sơ vì không liên quan đến học bạ.

Không “ảnh hưởng” đến thi đua

Năm học 2018-2019, tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu có 22 HS lưu ban đều nằm trong nhóm HS có nhiều điểm bất thường về tâm lý, khả năng tập trung, tiếp thu và ghi nhớ. “Việc theo dõi và hỗ trợ những HS như thế này là cả quá trình. Để các em lưu ban rõ ràng không phải là điều hay ho gì, nhưng đôi khi phải chấp nhận vì sự phát triển phù hợp, tốt cho các em. Nhiều em chỉ chậm ở một thời điểm nào đấy, hay một vài kỹ năng nhất định nào đấy”, thầy Phong giải thích.
Ở Đà Nẵng, nhiều trường học khác cũng chấp nhận để học sinh lưu ban sau nhiều cố gắng hỗ trợ, chỉ vì không muốn các em “ngồi nhầm lớp”. Đây cũng là quan điểm nhân văn của ngành giáo dục TP.Đà Nẵng. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết mỗi cơ sở trường học đều có nhóm giáo viên hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho những HS cá biệt. “Không khó để nhận thấy sự hiện diện của những đứa trẻ tự kỷ, có xu hướng phát triển “cá biệt”, “khác biệt” ngày càng nhiều. Vì vậy, nếu HS “ngồi nhầm lớp” so với giai đoạn phát triển của mình, thì thực sự có lỗi với các em”, bà Thuận chia sẻ.
Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận, chuyện để học sinh lưu ban và học đúng với giai đoạn phát triển của mình hoàn toàn không ảnh hưởng đến thi đua của các đơn vị trường học, cũng là cách khách quan và chân thực để các trường có đánh giá đúng về HS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.