Phụ huynh phát hoảng vì con phải học thuộc lòng nhiều kiến thức khó

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/09/2019 19:21 GMT+7

Rất nhiều kiến thức, khái niệm trong sách giáo khoa như 'thành tựu quốc phòng ', 'bố trí lực lượng', 'cải cách ruộng đất', 'triều đại phong kiến phương Bắc'… khiến học sinh lớp 4 khó khăn khi phải học thuộc lòng.

"Con 9 tuổi mà có cảm giác con đang phải học lớp 12"

Chị Nguyễn Hương T., có con học lớp 4 Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính, Q. Tân Phú, TP.HCM kể lại: “Vợ chồng mình đang đau đầu với kiến thức lịch sử lớp 4. Có những khái niệm khiến trẻ ngơ ngác. Chẳng hạn khi học bài về nước Âu Lạc, con phải học thuộc một đoạn miêu tả Triệu Đà cho Trọng Thủy sang làm con rể An Dương Vương để điều tra cách bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ những người đứng đầu nước Âu Lạc. Con tôi hỏi bố trí lực lượng và chia rẽ nội bộ là gì hả mẹ. Sau đó cháu phải học thuộc lòng. Nhưng khi tôi kiểm tra lại thì con cứ bị quên mấy từ đó. Rồi thì 'ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc' con tôi cũng không thể nào học thuộc”.
Chị T. cho biết thêm câu hỏi trong sách giáo khoa yêu cầu bé cho biết thành tựu quốc phòng của người dân Âu Lạc là gì, bé không hiểu chữ “thành tựu quốc phòng”. “Các con không hiểu, thì học thuộc để làm gì? Mà không hiểu thì học thuộc chỉ là học gạo, rất mau quên. Có hôm con tôi ngồi thừ trước trang sách toàn chữ, mếu máo tìm cách học thuộc. Rồi cô còn bắt học cả bài thơ mấy chục câu, có những từ con không biết nghĩa khiến tôi phải ngồi giải thích”, chị T. chia sẻ.
Chị Bùi Thị Lan, có con học lớp 4 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết mình đang đau đầu về kiến thức lịch sử mà con phải học. “Các con mới lớp 4 mà phải học nhiều kiến thức tôi cho là quá sức, giống như kiểu “nhồi nhét” vậy. Thầy còn bắt con tôi về tìm hiểu thêm nội dung cải cách ruộng đất để thảo luận nhóm nữa. Thấy con hí húi lên Google tìm kiếm cải cách ruộng đất là gì, tôi có cảm giác con đang học lớp 12 chứ không phải lớp 4”, chị Lan bức xúc.

Kiến thức quá hàn lâm

Anh Nguyễn Kim Tân, có con học lớp 6 tại một trường THCS ở Q.5, TP.HCM lại gay gắt phản ứng về sách giáo khoa công nghệ. Anh Tân bức xúc: “Cuốn sách đưa những kiến thức theo kiểu hàn lâm, bác học trong khi không được thực hành để hiểu, khiến học sinh tẩu hỏa nhập ma. Chẳng hạn con tôi phải học vải bông, vải sợi pha, vải tổng hợp, tất cả đều trên lý thuyết mà không hề biết thực tế ra sao để phân biệt. Đã vậy còn có quy trình ủi đồ theo cái kiểu: vải bông lớn hơn 160 độ C, vải sợi pha nhỏ hơn 160 độ C... Lúc ủi các con lấy cái gì đo? Hay phải sờ tay vào bàn ủi? Chưa kể, nhiều từ ngữ đến người lớn đọc còn khó hiểu huống gì là học sinh lớp 6. Đã vậy còn phải học thuộc lòng, trả bài... Học sinh không hiểu thì không thể nào nhớ, kiến thức sẽ trôi tuột đi”.
Anh Tân cho rằng kiến thức nào cũng tốt, nhưng phải phù hợp với lứa tuổi và phương pháp dạy phải đúng. “Môn nào cô giáo cũng bắt học thuộc kiểu đó thì quá áp lực cho học sinh. Tôi toàn phải giảng cho con hiểu rồi nói con ghi nhớ chứ không cần học thuộc từng câu chữ. Nhiều sách giáo khoa viết như thể áp đặt, người viết đưa những thứ mình biết vào sách chứ không phải những thức mà học sinh cần. Giống như kiểu đầu bếp nấu một nồi xương và nói các con ăn đi, ăn được hay không thì không cần biết”, anh Tân so sánh.
Chị Lan cũng chỉ ra sách Khoa học lớp 4, tiếng Việt lớp 4... mà con mình phải học, có quá nhiều kiến thức, bài thơ thậm chí bài văn mẫu mà người lớn muốn ghi nhớ hay học thuộc cũng không dễ dàng, huống chi các bé mới 8, 9 tuổi.
Nói về ảnh hưởng của việc “học vẹt”, phụ huynh Bùi Đặng Quốc Thiều (đang làm việc tại Công ty tư vấn tài chính - bảo hiểm TCA, TP.HCM) nhìn nhận: “Không hiểu mà vẫn bị bắt học thuộc chính là học vẹt. Thứ nhất, nó không tốt cho sự phát triển tư duy. Thứ 2, học thuộc lòng tạo cho trẻ thói quen thụ động, có nghĩa là không cần suy nghĩ hay thắc mắc, mà chỉ cần học theo. Trẻ sẽ không có tư duy sáng tạo. Thứ 3, tạo cho trẻ áp lực không đáng, vì nếu trẻ không học thuộc lòng được, sẽ thấy sợ môn học đó, sợ đi học. Trong khi với lứa tuổi đó, điều tốt nhất là giúp trẻ hưng phấn, tạo cảm giác thích đến trường và kích thích nhu cầu ham muốn tìm hiểu của trẻ”.

Bắt học thuộc là do giáo viên, không phải do chương trình

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thúy M., giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Q.Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Đúng là các con phải học khá nhiều kiến thức khó so với lứa tuổi của mình. Tuy nhiên, việc bắt học thuộc là do phương pháp của mỗi cô giáo, chứ không phải chương trình bắt buộc như vậy. Có cô giáo không yêu cầu học sinh học từng câu chữ, mà chỉ yêu cầu ghi nhớ. Có cô giảng bài cặn kẽ, giúp các con hiểu những câu từ, khái niệm khó trước rồi chỉ cách sao cho ghi nhớ dễ dàng. Cũng có những cô lại yêu cầu về nhà phải học thuộc hết, nhờ phụ huynh khảo bài. Như vậy sẽ khiến học sinh lẫn phụ huynh đều áp lực”.
Theo cô M., việc yêu cầu học sinh học thuộc rất nguy hiểm vì khiến trẻ hình thành thói quen học vẹt, học mà không hiểu, không cảm nhận được nội dung của bài dẫn đến nhanh quên và không kích thích được trí tưởng tượng, sự sáng tạo của trẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu H., giáo viên Trường THCS Phước Thiền, Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng cho rằng khung chương trình chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ chứ không bắt học thuộc lòng từng câu từng chữ. “Mỗi lứa tuổi có một yêu cầu riêng, nhưng đúng ra giáo viên chỉ yêu cầu các con ghi nhớ và giúp các con phương pháp ghi nhớ bài, chứ không bắt trả bài hay kiểm tra theo kiểu phải đúng từng câu chữ. Cách đánh giá học sinh cũng vậy, cần khuyến khích những em học có sáng tạo, chứ không nên cho điểm cao những em học thuộc. Có như vậy học trò mới phát triển được tư duy, không sợ hãi, không chán học”, cô Thu H. nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.