Điều khoản này thay đổi so với Nghị quyết 88/2014/QH13 là: “Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.
Điều này khiến nhiều trường lo lắng về sự thiếu phù hợp với học sinh trường mình, dư luận xã hội thì lo dễ dẫn đến “lợi ích nhóm” khi chọn sử dụng, còn giáo viên và học sinh thấy mất đi quyền được chọn lựa và sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất việc dạy và học của mình.
Theo chúng tôi, việc giao cho địa phương tỉnh, thành phố lựa chọn SGK và phát huy vai trò của sở giáo dục là hợp lý. Bởi vì, sẽ dễ có sự thống nhất để tạo thuận lợi trong việc quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục, công tác tác kiểm tra đánh giá cũng đồng bộ và dễ dàng hơn, dễ có tính khách quan hơn. Nếu cho giáo viên lựa chọn, đánh giá dễ thiếu chính xác, sẽ khó có tiếng nói chung, vì mỗi người mỗi cách chọn, tính chủ quan sẽ rất lớn. Vả lại, để cho giáo viên và học sinh góp ý về sự hay dở của SGK, cũng cần phải cần có thời gian thử nghiệm. Với kế hoạch giáo dục như hiện nay, chúng ta khó áp dụng được việc thử nghiệm. Việc sử dụng bộ SGK nào, các địa phương cũng không nên cứng nhắc, mà có thể thay đổi nếu sau một vài năm thấy không hiệu quả. Vì vậy trao quyền lựa chọn cho địa phương nhưng cần nhất là phải có một nhóm thẩm định đủ tin cậy để chọn bộ SGK phù hợp địa phương đó, mà nòng cốt là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Cũng như việc sử dụng thống nhất một bộ SGK như hiện nay nhưng không ai cấm việc giáo viên liên hệ, mở rộng kiến thức cho phù hợp đối tượng mình dạy. Việc chọn bộ SGK này dạy nhưng liên hệ, sử dụng thêm những phần hay của bộ SGK kia là chuyện bình thường, nên có, không nên khắt khe. Bởi khó có bộ SGK nào “lý tưởng” cho cả một địa phương khi sử dụng.
Về lâu dài, với cách làm đặc thù vai trò của địa phương như thế, Bộ GD-ĐT nên giao việc xét tốt nghiệp THPT về cho các sở giáo dục.
Bình luận (0)