Câu chuyện thiên thạch ở Việt Nam

18/12/2014 16:21 GMT+7

(TNO) “Việt Nam có rất nhiều dấu vết va chạm thiên thạch, nhưng về lý thuyết thì không thể có thiên thạch rơi xuống mà tồn tại ở Việt Nam. Cho nên có thể nói tất cả các vụ mua bán cái gọi là thiên thạch nhặt được ở nước ta đều là thiên thạch giả”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà địa chất học nói với Thanh Niên Online .

(TNO) “Việt Nam có rất nhiều dấu vết va chạm thiên thạch, nhưng về lý thuyết thì không thể có thiên thạch rơi xuống mà tồn tại ở Việt Nam. Cho nên có thể nói tất cả các vụ mua bán cái gọi là thiên thạch nhặt được ở nước ta đều là thiên thạch giả”, tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, nhà địa chất học nói với Thanh Niên Online.

Sự tấn công của thiên thạch luôn là nỗi lo sợ của con người - Ảnh: NASA
Kỳ 1 : Sự hủy diệt kỳ vĩ
Cuộc va chạm thiên thạch vào trái đất mới nhất là vụ nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk vùng Ural Liên bang Nga vào ngày 15.2.2013. Vụ nổ kiến cho 3.000 tòa nhà trong 6 thành phố bị hư hại và 1.200 người bị thương, chủ yếu do kính vỡ. Theo ước tính của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), thiên thạch này có đường kính 17 mét, nặng khoảng  7  - 10 ngàn tấn, khi nổ đã giải thoát một năng lượng tương đương với 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần vụ nổ của hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki cuối Đại chiến thế giới 2. Vụ nổ diễn ra ở độ cao 15-20 km so với mặt đất. Với vận tốc khoảng 15 - 30 km/giây (theo ước tính của Viện Hàn lâm khoa học Nga vận tốc thiên thạch này là 54.000 km/giờ, còn Cơ quan Không gian liên bang Nga ước tính gấp đôi), các nhà khoa học cho rằng nếu thiên thạch này chỉ nổ chậm trong một vài giây thì không những cả thành phố Chelyabinsk và khu vực lân cận bị hủy diệt mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả một vùng rộng lớn ở châu Âu.

Vụ nổ gần nhất trước vụ Chelyabinsk là sự kiện Tunguska kinh hoàng ở Siberia (Nga) vào ngày 30.6.1908, thường gọi là Vụ nổ lớn Siberia. Năng lượng của vụ nổ tương đương với 1 megaton thuốc nổ TNT, tương đương với 100 quả bom nguyên tử, hủy diệt 60 triệu cây rừng trên diện tích 2.150 km2. Những khảo sát của các nhà khoa học Xô Viết sau đó không phát hiện có hố thiên thạch và không tìm thấy các mẩu vật thể đủ lớn để có thể đem phân tích, nhiều giả thiết cho rằng đây có thể là một sao chổi đã chạm vào hành tinh gây ra vụ nổ. Sự kiện Tunguska tăng thêm bằng chứng về khả năng hiện hữu của “Ngày tận thế” trong tương lai.

Theo thống kê từ các tài liệu về địa chất học, bề mặt Trái đất hiện có 160 hố thiên thạch được ghi nhận rải rác ở khắp các châu lục.

Hố thiên thạch được phát hiện đầu tiên trên thế giới là hố thiên thạch Barringer (tiểu bang Arizona, Mỹ). Hồ này được coi là hố thiên thạch trẻ nhất hình thành cách đây 50.000 năm, có đường kính 1,5 km, sâu 170 mét,  trước đây người ta cho rằng đây là một họng núi lửa đã tắt. Đến năm 1903, Daniel Barringer, một kỹ sư mỏ, đã đến đây khảo sát quặng sắt và đưa ra giả thiết đây là một hố thiên thạch. Giả thiết của ông đã được thừa nhận vào năm 1960 khi nhà thiên văn Eugene Shoemaker tìm ra các khoáng chất ở đây có nguồn gốc từ vũ trụ. Người ta tính nó được tạo ra từ vụ va chạm thiên thạch tương đương với 2,5 megaton thuốc nổ TNT. Hố thiên thạch này đã được công nhận là di tích quốc gia Mỹ vào năm 1967 và mở cửa đón du khách đến tham quan, nghiên cứu.

Hố thiên thạch Vredefort Dom ở Nam Phi được coi là cổ nhất, hình thành từ cuộc va chạm thiên thạch cách đây 2.023 triệu năm, có đường kính ban đầu khoảng 380 km, nay còn khoảng 300 km do bị bào mòn. Hố này trước đây cũng được cho là có nguồn gốc từ núi lửa. Vào năm 1900, người ta có bằng chứng khẳng định đây là hố thiên thạch. Hố Vredefort Dom được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Du khách đến đây có thể chiêm ngưỡng sức mạnh kỳ vĩ của thiên nhiên.

Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ, 160 hố thiên thạch nói trên phần lớn được phát hiện nửa sau thế kỷ 20 trên những nước có ngành địa chất phát triển, nên chắc chắn còn nhiều hố thiên thạch chưa được phát hiện trên hành tinh chúng ta.

Trên lãnh thổ Việt Nam, có nhiều hồ và thung lũng có nguồn gốc khác nhau, theo các nhà nghiên cứu. Có khả năng một số hồ và thung lũng được hình thành từ các cuộc va chạm thiên thạch, tuy nhiên theo tiến sĩ Kỷ, do nước ta thuộc vùng nhiệt đới ẩm mưa nhiều nên những hố thiên thạch không còn nguyên vẹn như hồ thiên thạch Barringer nằm trên sa mạc.

Theo khảo sát của tiến sĩ Kỷ, có ít nhất là 3 hồ lớn ở nước ta được hình thành do va chạm thiên thạch. Đó là hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, hồ Lăk ở Buôn Ma Thuộc và “Biển Hồ” ở Pleiku (Gia Lai).

Hồ Ba Bể gồm 3 hồ thông liền chứa nước ngọt có diện tích 6,5 km2, được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Hồ nằm trên độ cao 145 mét trên mực nước biển, bao quanh là núi đá. Ông Kỷ cho rằng, một số nhà địa chất nói hồ này hình thành từ 200 triệu năm trước cùng tuổi với địa tầng được nâng lên khi hoạt động kiến tạo là không đúng, một số khác bảo nó liên quan đến hoạt động karst (hiện tượng bào mòn đá vôi) trong tầng đá vôi cũng không có cơ sở, bởi diện tích của 3 hồ này kéo dài 8 km, chiều ngang và chiều rộng khác nhau, không nằm trên cùng một đường thẳng, không giống với cấu trúc địa hào bị sụt giữa hai đứt gãy, còn hoạt động karst trong đá vôi hình thành sông ngầm karst thì chỉ hình thành hố sụt, nước biến mất theo dòng sông chứ chẳng bao giờ tạo thành hồ. Theo nhận định của ông, hồ Ba Bể chỉ có thể là hồ thiên thạch do ba mảnh thiên thạch kích thước và hình dạng khác nhau va chạm với Trái đất không trực diện trong kỷ đệ tứ, cách đây nhiều nhất không quá 1 triệu năm.

Hồ Lăk là hồ rộng thứ hai ở Việt Nam, có diện tích 5 km2, sau hồ Ba Bể, nằm ở độ cao 450 mét so với mực nước biển. Các nhà địa chất Pháp trước đây cho hồ này có nguồn gốc từ núi lửa vì quanh vùng có nhiều đá bazan. Ông Kỷ bảo như vậy là sai, vì diện tích hồ khá lớn song không giống dạng phễu họng phun trào hay phun nổ của núi lửa ở Việt Nam hay trên thế giới. Với nhiều tài liệu về địa chất, ông Kỷ tin rằng hồ Lăk cũng được hình thành từ va chạm thiên thạch có niên đại trong kỷ đệ tứ.

“Biển Hồ” ở Pleiku, bà con dân tộc gọi là T’Nưng, độ sâu 12-16 mét nằm trên cao nguyên địa hình bằng phẳng cao khoảng 500 mét so với mực nước biển. Cũng bằng những lập luận tương tự, tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ cho rằng hồ này cũng hình thành từ một vụ va chạm thiên thạch.

Ngoài ra, ông Kỷ còn lưu ý, trên lãnh thổ nước ta có nhiều thung lũng giữa núi hình thành các vùng đồng bằng rộng lớn và nhiều bồn trũng trầm tích Neogen chứa than nâu nằm giữa vùng núi cao như Điện Biên, Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, trũng trầm tích Neogen ở Tây nguyên…. Lâu nay nhiều nhà địa chất cho rằng chúng có nguồn gốc kiến tạo sụt lún giới hạn bởi đứt gãy, nhưng ông Kỷ bảo điều đó không đúng, vì ở những vùng đó không có địa tầng trầm tích đá vôi, không có những sông thoát nước lớn, không phát hiện thấy có những đứt gãy kiến tạo dạng địa hào, không có phun trào núi lửa, nên chỉ có thể ước đoán rằng chúng được hình thành do va chạm giữa thiên thạch với Trái đất.

Ông đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, nếu đây là kết quả của sự va chạm giữa thiên thạch với Trái đất thì không những có giá trị khoa học rất lớn mà còn đem lại giá trị kinh tế cao, bởi nó sẽ là những di sản địa chất và thiên văn, thu hút đông đảo du khách và các nhà khoa học trên thế giới.

Sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên thật là ghê sợ, loài khủng long và hàng loạt giống loài khác đã tuyệt chủng vì những cuộc va chạm thiên thạch, nhưng sự hủy diệt này lại tạo ra vẻ đẹp kỳ vĩ trên hành tinh và trên đất nước ta … (còn tiếp).
 
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ là nhà khoa học có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành địa chất. Ông là tác giả và đồng tác giả của hệ thống bản đồ địa chất Việt Nam, đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ, là chủ biên chuyên khảo “Loess nguồn gốc gió ở Việt Nam và Đông Nam Á”, tác giả cuốn “Địa chất và môi trường Đệ tứ Việt Nam”, là đại diện Việt Nam tham gia các đề tài nghiên cứu quốc tế “Những quá trình phát triển và các sự kiện Đệ tứ ở Đông Nam Á”, “Địa tầng Đệ tứ châu Á Thái bình dương” và đề tài UNESCO “khí hậu trong quá khứ”. Những khảo sát địa chất của ông còn góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử dựng nước của cha ông ta (Xem Dựng nước sau đại hồng thủy”.Tác phẩm mới nhất của ông vừa được xuất bản là cuốn “An ninh môi trường: Hiểm họa và biện pháp phòng chống” (NXB Công an nhân dân, 2014).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.