(TNTS) Sự kiện người lớn tuổi nhất thế giới Misao Okawa vừa qua đời ở tuổi 117 khiến mọi người lại nhìn về nước Nhật với sự ngưỡng mộ dành cho một trong những nơi có tuổi thọ cao nhất thế giới.
|
Còn với những người dân ở Nhật thì sự ngưỡng mộ lại hướng về vùng núi Nagano. Nagano là tấm gương của sự tự thân vận động để hình thành lối sống lành mạnh và có được tuổi thọ cao nhất nước Nhật.
Bị “kẹt” giữa dãy núi Alps, Nagano nếu thuận theo tự nhiên thì chẳng phải là nơi lý tưởng cho một cuộc sống khỏe mạnh vì mùa đông ở đây vừa kéo dài lại vừa khắc nghiệt, không thể có được nguồn cá tươi và hải sản dồi dào, đất đai rất cằn cỗi. Thế nên, khi kinh tế Nhật thời hậu chiến khởi sắc, các vùng khác ở Nhật cũng “tranh thủ” kéo được tuổi thọ lên cao thì Nagano vẫn còn ì ạch. Chính “nhờ” năm đỉnh điểm 1981 khi Nagano đứng đầu bảng về tỷ lệ đột quỵ ở Nhật mà người dân địa phương quyết tâm thay đổi hình ảnh.
Ông Noriko Sonohara, người đứng đầu Hội Dinh dưỡng Nagano cho biết “thủ phạm” chính là món tsukemono (dưa chua) - một cách trữ rau cho mùa đông rất hiệu quả nhưng lại là cách “nạp muối” vào cơ thể rất khủng khiếp. Một khảo sát cho thấy người dân Nagano thời đó tiêu thụ 15,1 gr muối mỗi ngày, gần gấp 3 lần lượng muối tối đa cho phép ở Mỹ.
Sự thay đổi đầu tiên là chiến dịch cắt giảm tiêu thụ muối trên quy mô rộng. Khu vực với dân số 2,1 triệu dân này có đến 4.500 tình nguyện viên đi khắp nơi để động viên người dân. “Mục tiêu và động cơ của chúng tôi không liên quan gì đến việc trở thành số 1 thế giới về tuổi thọ mà điều quan trọng là chúng tôi muốn thay đổi lối sống”, ông Sonohara cho biết. Và điều này đã được đền đáp xứng đáng: đến năm 1990, tuổi thọ của đàn ông Nagano tăng thêm 3 tuổi còn phụ nữ thêm 3,5 tuổi và cứ thế tăng cho đến năm 2010 Nagano giành luôn vị trí số 1 Nhật Bản. Phụ nữ ở Nagano có tuổi thọ trung bình là 87,2 trong khi đàn ông có thể sống đến 80,9 tuổi, theo số liệu của Bộ Sức khỏe, lao động và phúc lợi Nhật Bản.
Và chiếc chìa khóa thứ 2 để giải mã cho trường hợp mang tên Nagano này chính là một lối sống hoạt bát, sôi nổi do chính quyền địa phương khởi xướng. Ở thủ phủ Matsumoto, hơn 100 đường đi bộ được thiết lập để “kéo” người dân vận động. “Ai cũng có thể làm được điều này. Bạn đi bộ, bạn nói chuyện, bạn tập thể dục và bạn giúp gầy dựng tinh thần cộng đồng”, ông Sonohara lý giải.
Sự “can thiệp” của chính quyền còn thể hiện ở chỗ họ khuyến khích người dân trì hoãn việc nghỉ hưu hoặc bắt đầu sự nghiệp thứ hai sau khi nghỉ hưu. Và thế là Nagano lại lập thêm một kỳ tích nữa: cứ 4 người trên 65 tuổi thì có 1 người ở trong lực lượng lao động - tỷ lệ cao nhất Nhật Bản.
Một nhà khoa học ở Viện Lão khoa quốc gia Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi thực sự không biết là có phải người dân ở Nagano tiếp tục đi làm vì họ khỏe mạnh hay họ khỏe mạnh nên tiếp tục đi làm. Nhưng chúng tôi tin rằng làm việc có tác động đến sức khỏe”.
Sơ lược về Nagano
Vị trí: Dãy Alps Nhật Bản
Diện tích: 13.582 km2
Dân số: 2,15 triệu người
Số 1 Nhật Bản về tuổi thọ, tỷ lệ đi làm ở những người trên 65 tuổi, tiêu thụ rau tính trên đầu người
|
Bình luận (0)