Từ da người, ruột cá và vải lanh...
Thật không thể tin được, một trong những thứ đầu tiên mà loài người phát minh ra để phục vụ cho cuộc sống lại là bao cao su. Cái miếng mềm mềm mà ngày nay chúng ta thường e ngại mỗi khi đề cập đến được dân Ai Cập xài trước Công nguyên khoảng 1.000 năm. Họ có thể đã dùng "nó" trong quá trình "hành sự" hoặc chỉ đơn thuần là vật lễ nghi. Người La Mã cổ cũng sử dụng "bao" được làm từ vải cứng hoặc từ... da của tù binh chiến tranh. Bằng chứng về việc sử dụng "áo mưa" của dân châu u được tìm thấy trên những bức họa vẽ vào khoảng năm 100 sau Công nguyên trên vách các hang động xứ Combarelles ở nước Pháp. Vào năm 1500, trong cuốn sách của mình, nhà phát minh người Ý G.Fallopius cho biết 1.100 người đã dùng loại bao bằng... vải lanh do ông sản xuất. Nhờ "tấm áo" này, khách hàng của Fallopius đã tránh được bệnh giang mai.
Cái sự ra đời của bao cao su nôm na là như thế nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguồn gốc của từ "condom" (tức "bao cao su" trong tiếng Anh). Truyện dân gian phương Tây cho rằng nó xuất phát từ tên của bác sĩ Condom (hay Conton gì đó), người đã cung cấp cho Vua Charles II (Anh - thế kỷ 17) những chiếc "áo choàng" để ông này ngừa bị lây bệnh và tránh thai trong những cuộc mây mưa lén lút. Một số chuyên gia khác cho rằng "condom" xuất phát từ "condus" trong tiếng Latin, có nghĩa là... "chai lọ". Bằng chứng sớm nhất về bao cao su được tìm thấy tại lâu đài Dudley ở Birmingham (Anh) với những mẫu nhỏ làm bằng ruột cá và ruột thú vào năm 1640. Những thứ này có thể đã được các chiến binh sử dụng để ngừa bị lây bệnh trong cuộc chiến giữa lực lượng Oliver Cromwell và những người trung thành với Vua Charles I.
...đến mai rùa và sừng thú
Không chỉ bên trời Tây, bao cao su còn tung hoành đến tận Đông Á. Người Nhật xưa sử dụng hai loại bao có tên gọi "Kawagata" (hoặc Kyotai) làm bằng da mỏng và "Kabutogata" làm bằng... mai rùa hoặc sừng thú. Đến đây thì mọi việc đã đi quá xa. Một người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung một chiếc "bao cao su" làm bằng mai rùa như thế nào ngoài việc biết rằng nó rất nặng, rất cứng và rất khó xài.
Trở lại với phương Tây, nhân vật nổi tiếng đào hoa trong văn học thế kỷ 18 là Casanova thường sử dụng loại bao bằng vải lanh và gã đã đặt cho nó một cái tên rất mỹ miều: "áo choàng cưỡi ngựa kiểu Anh". Tuy nhiên, phải chờ đến giữa thế kỷ 19, sau khi C.Goodyear khám phá ra tính đàn hồi của cao su, "áo mưa" mới đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Năm 1844, phiên bản đầu tiên của bao cao su thực thụ được sản xuất hàng loạt trong khi các loại làm từ ruột cừu vẫn còn trên thị trường. Các loại bao xài một lần cũng ra đời từ đây.
"Khoác nó vào rồi mới tấn công!"
Trong Thế chiến I, binh lính Mỹ có tỷ lệ nhiễm bệnh hoa liễu cao nhất do bị cấm sử dụng bao cao su. Vợ con của họ vì thế cũng vạ lây. Chính sách của Đức quốc xã trong Thế chiến II cấm sử dụng bao cao su hoặc bất cứ phương pháp tránh thai nào, nhưng để bảo vệ cho binh lính khỏi bị bệnh hoa liễu, phát xít Đức cũng dành cho quân đội một ngoại lệ. Từ bài học đau thương tại Thế chiến I, người Mỹ dần nhận ra rằng cái vật nho nhỏ, mềm mềm ấy "thế mà hay". Từ đó, bao cao su ùa vào các doanh trại quân đội. Trong các phim tài liệu quân sự Mỹ ngày ấy, mấy vị chỉ huy thường hét vào tai đám lính: "Don't forget - put it on before you put it in!" (Hãy ghi nhớ - khoác nó vào rồi mới tấn công!). Từ "tấn công" ở đây mang nghĩa bóng.
Sau 3.000 năm phát triển, bao cao su suýt bị diệt vong vào những năm 60 của thế kỷ trước. Khi mà thuốc chữa các bệnh hoa liễu vốn là nan y trước đây được bào chế thành công, xu hướng chung của nhân loại là vứt “nó” đi cho thoải mái. Số phận của "nó" càng bấp bênh hơn sau sự ra đời của thuốc tránh thai an toàn. Tuy nhiên, khi "kẻ sát nhân" HIV/AIDS xuất hiện, bao cao su đã hồi sinh mãnh liệt. Hơn bao giờ hết, sức mạnh của "nó" được phát huy cao độ và đã trở thành "một vị anh hùng" trong cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS của loài người.
Thuở xa xưa, tổ tiên chúng ta chắc không ngờ rằng phát minh của họ lại đóng một vai trò vĩ đại như thế trong thời hiện đại. Tổ tiên loài người cũng không ngờ rằng hôm nay, "nó" lại nhỏ và thanh tao đến thế. Cùng với sự hồi sinh của bao cao su, cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng khốc liệt hơn bao giờ hết. Tiêu chí "mềm, mỏng và nhẹ" luôn được đặt lên hàng đầu. Ngày nay, nếu đem một cái Kabutogata làm bằng mai rùa của người Nhật đặt bên cạnh một sản phẩm hiện đại có độ dày không quá 0,04mm sẽ thấy được con đường mà bao cao su đã đi qua dài và chông gai như thế nào.
Châu Minh Linh
(Theo RipNRoll, CraigWeb)
Bình luận (0)