Câu cửa miệng có gì mà khụng khiệng

04/11/2011 08:41 GMT+7

(TNTS) Bắt chước lối nói "thành ngữ sành điệu" từ một cuốn sách hình đang gây dư luận, tôi nghĩ ra đầu đề bài viết của mình như vậy.

Tiếng Việt ta là thứ tiếng đơn âm có vần, có thanh, nên người Việt thích nói vần vè  nhịp điệu cho khoái lỗ tai. Nói điều có nghĩa cũng tìm cách hiệp vần cho dễ nhớ, dễ thuộc, từ đó dễ lan truyền. Mà nói điều vô nghĩa, nói chơi, càng cần có vần vè cho bật cười, cho thích thú. Không chừng vì là vô nghĩa, nói chơi, nên vần càng bất ngờ, càng kéo theo những kết hợp, liên tưởng không ăn nhập gì với nhau trong câu nói thì hiệu quả do ngôn từ gây nên càng mạnh.

Tôi đồ rằng trong kho tàng ca dao tục ngữ của ta có nhiều câu xuất xứ ban đầu là từ nói chơi, nói vui, nói buột miệng, rồi trong số đó câu nào được nhiều người công nhận thì được ghi nhớ và truyền tụng, còn những câu khác thì chỉ đáp ứng tức thời một nhu cầu nào đó rồi mất đi.

Chẳng hạn, giữa một đám đông nói chuyện về sự thật thà, một người buột ra câu "thật thà là cha quỷ quái" được mọi người tán thưởng vì đề cao thật thà. Nhưng ở một cuộc khác, có người sau khi bàn luận chép miệng "thật thà là cha dại" cũng được mọi người chấp nhận, vì quả trong đời người, thật thà lắm khi thiệt thòi.

Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, dân ta dễ tính, thuận tai là gật, gặp trường hợp nào đó chợt nhớ ra, thấy hợp thì nói câu "cha dại" hoặc "cha quỷ quái", thế là thành ra cái câu buột miệng được truyền đi. 

Hoặc giả đang trong một cuộc tranh luận gì đó, có kẻ xen vào liền bị mắng "biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe". Tôi tin là thời nào người Việt cũng thích nói vần vè, và có nhiều câu vần vè chỉ để cho vui, chỉ là sản phẩm của một thời. Câu "bố vợ phải đấm" thì có nghĩa lý gì, khi các nhà ngôn ngữ học giải thích đó là cách nói chệch, là biến âm của "khố rợ phải lấm". Câu đó truyền từ xưa nên nay vẫn nói mà vui, chứ nếu câu đó phát ra trên miệng người trẻ thì chắc là bị "ăn đòn".

Nghĩ vậy nên tôi cho rằng cuốn sách Sát thủ đầu mưng mủ tập hợp một số câu truyền miệng của lớp trẻ bây giờ, được họa sĩ Thành Phong minh họa theo cách hiểu của mình chẳng làm gì nên tội, chẳng gieo rắc sự phá phách tiếng Việt, chẳng đáng làm to chuyện như là một cái gì nguy hiểm, đáng báo động.

Dăm năm nữa, có khi cuốn sách này lại là một tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của tuổi trẻ, khi những câu nói đó đã không còn được dùng nữa.

Cuộc sống biến đổi từng ngày, nhất là thời đại hiện nay, giới trẻ năng động, hiếu động, thích nghịch ngợm, phá phách theo bản tính lứa tuổi, mà trong ngôn ngữ học thì lĩnh vực từ vựng lại linh hoạt nhất, dễ và mau biến đổi nhất. Một thời, cứ mở miệng ra là người ta "hết sẩy", nay từ này hầu như mất hẳn. May chăng, nếu biến tấu kiểu bây giờ thành "hết sẩy con bà Bảy" thì nó còn sống thêm một thời gian nữa.

Những câu nói nôm na của lớp trẻ được gọi là "thành ngữ sành điệu" là phải. "Sành điệu" ở đây là khác người, là hợp thời, là bây giờ-ở đây-lúc này. Những người trẻ tận dụng tối đa các khả năng hiệp từ hợp vận của từ ngữ tiếng Việt để tạo ra những tổ hợp, những mệnh đề, những câu bất ngờ, trái khoáy, cốt 1) gây cười cho vui, 2) xả căng thẳng, áp lực của đời sống hiện đại, 3) chứng tỏ "cái tôi" của thế hệ, 4) chỉ dấu thời đại và 5) chứng tỏ khả năng dùng tiếng Việt.

Câu nói của kẻ tội phạm Năm Cam "cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền", và câu nói của giới trẻ "tiền thì anh không thiếu nhưng nhiều thì anh không có", ngoài nội dung thực tế và ý nghĩa xã hội, chúng giống nhau ở cấu trúc gây bất ngờ về mặt logic. Nhà hiền triết phương Đông nói "nhân chi sơ tính bản thiện", qua miệng người Việt thành "nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn". Còn bây giờ lớp thanh niên lại đùa "tinh vi sờ ti con lợn". Sao lại là "con lợn"  mà không phải con khác? Thì con nào cũng được, miễn là con có ti, với tên gọi là vần trắc, như con chó, con hổ, con khỉ... Con lợn được xuất hiện chẳng qua là khi buột miệng thì từ đó đã ở đầu lưỡi, vậy thôi. Cũng vậy, câu "ngu như bò còn thích hát hò" có thể thành "dốt như lợn còn thích tí tởn".

Tôi tin người Việt ai cũng mang sẵn trong mình cái "gien" bẻ câu sắp chữ như những người hát đối đáp ngày xưa và sẵn sàng mang ra dùng trong nhiều hoàn cảnh, tình huống, trường hợp.

Lớp trẻ ngày nay quả có vấn đề về ngôn ngữ, nhưng là ở chỗ khác. Chẳng hạn, ở sự lạm dụng ngoại ngữ, đá ngang đá ngửa từ ngoại lai vào câu tiếng Việt, không biết khai thác và sử dụng các khả năng phong phú của ngôn ngữ dân tộc. Điều này cần được chấn chỉnh và khắc phục, trước hết từ chính bản thân họ.

Còn những câu cửa miệng "sành điệu" này có câu gây sốc, có câu phản cảm, nhưng rồi sẽ lại có những câu "sành điệu" khác thay thế, và đó cũng là một cách người trẻ rèn luyện khả năng tung hứng, đùa giỡn, và yêu tiếng Việt của mình.

Thú thực, đọc những câu này của họ tôi còn thấy khoái cảm về ngôn ngữ và tinh thần hơn khi đọc những bài viết xơ cứng nội dung và nghèo nàn câu chữ.

Hà Nội 26.10.2011

Phạm Xuân Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.