Cầu cứu vì doanh nghiệp xuất khẩu lao động “phủi tay”

22/10/2022 06:06 GMT+7

Hàng chục người lao động đến Báo Thanh Niên cầu cứu vì đã đóng hàng tỉ đồng cho bà Lê Thị Cẩm Tú - đại diện pháp luật của Công ty TNHH phát triển nhân lực Lá Đỏ nhưng không được đi xuất khẩu lao động.

Có dấu hiệu lừa đảo

Cuối tháng 8.2022, anh Vũ Văn Dũng (26 tuổi, ngụ Thanh Hóa) và nhiều người lao động (NLĐ) khác gửi đơn đến Báo Thanh Niên, phản ánh về việc đã đóng tiền cho bà Lê Thị Cẩm Tú - đại diện pháp luật của Công ty TNHH phát triển nhân lực Lá Đỏ (gọi tắt là Công ty Lá Đỏ, địa chỉ tại P.Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức, TP.HCM) để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản, nhưng đến nay, vẫn không đi được; còn bà Tú đi đâu không rõ.

NLĐ đến Báo Thanh Niên phản ánh việc đóng tiền nhưng không được đi xuất khẩu lao động

LÊ TRỌNG

Trong thư của anh Dũng, có nội dung: “Qua kênh mạng xã hội, chúng em được Công ty Lá Đỏ tư vấn và thu gom giấy tờ gốc, tiền bạc để làm giấy tờ đi XKLĐ Nhật Bản. Nhưng đã 3 năm trôi qua, công ty nhiều lần hứa hẹn, hẹn ngày có visa đi Nhật, rồi khi mọi việc lộ ra là công ty không có chức năng đưa người đi XKLĐ thì hẹn trả lại tiền, trả hồ sơ nhưng đến nay công ty này, cụ thể người nhận tiền và hồ sơ là Lê Thị Cẩm Tú, đều không thực hiện. Khi chúng em liên lạc, đòi trả lại tiền và bằng cấp gốc thì bà Tú trốn tránh, thậm chí còn có những lời lẽ thách thức pháp luật. Đến nay không thể liên lạc với bà Tú. Chúng em đã dồn hết tiền bạc, vay mượn rất nhiều, cầm cố sổ đỏ để có đủ tiền nộp cho bà Tú. Nay không đi được, chúng em đang lâm vào đường cùng, phải gánh những món nợ trả lãi hằng tháng…”.

Đính kèm đơn cầu cứu của anh Dũng là danh sách 42 NLĐ khác với tổng số tiền đã đóng cho Công ty Lá Đỏ hơn 2,5 tỉ đồng (từ 44 - 92 triệu đồng/người).

Đến giữa tháng 9.2022, cũng có 6 NLĐ (ngụ TP.HCM) đến Báo Thanh Niên phản ánh nội dung tương tự. Chị Ngô Thị Minh Hợi (27 tuổi), đại diện nhóm, cho biết từ tháng 5.2020, qua những kênh Facebook, NLĐ tham gia đăng ký đơn hàng XKLĐ tại Công ty Lá Đỏ theo diện “Tokutei Gino” (visa kỹ năng đặc định dành cho NLĐ có tay nghề đến Nhật Bản làm việc với thời gian lên đến 5 năm) hay theo diện dành cho người có bằng đại học hay cao đẳng muốn làm việc lâu dài tại Nhật Bản.

Khi đăng ký đơn hàng tại Công ty Lá Đỏ, học viên được bà Lê Thị Cẩm Tú yêu cầu đóng tiền cọc và sau đó là các loại phí khác như phí phỏng vấn, phí “bao đậu”, phí để hoàn thành thủ tục đi Nhật. Để tăng sự tin tưởng, bà Tú làm bản cam kết với NLĐ rằng nếu không đi XKLĐ Nhật Bản được, công ty hoàn tiền và đền bù thiệt hại.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện nhiều thủ tục, NLĐ vẫn không thể đi XKLĐ. Bà Tú nhiều lần hứa hẹn, thoái thác bằng nhiều lý do như dịch Covid-19 nên không thể trình Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản (tức gửi hồ sơ xin tư cách lưu trú - COE), các đối tác của công ty bỏ trốn…

“Bà Tú có cung cấp cho nhiều người mã trình cục nhưng chúng tôi thấy có dấu hiệu bất thường, giả mạo. Nhiều học viên đã liên hệ Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản để kiểm tra mã trình cục và nhận được thông báo không tồn tại mã số cũng như không tồn tại họ và tên, không tồn tại ngày tháng năm sinh của NLĐ tại cục”, chị Minh Hợi nói và cho biết thêm, sau nhiều tháng ròng chờ đợi, NLĐ yêu cầu bà Tú trả lại số tiền cọc đã đóng và tiền đền bù theo đúng cam kết. Tuy nhiên, bà Tú không hoàn lại số tiền, cắt đứt liên lạc với học viên.

Đến cuối tháng 12.2021, nhiều người đến Công ty Lá Đỏ thì phát hiện công ty đã dỡ biển hiệu, đóng cửa. Sau đó, họ trình báo Cơ quan Công an TP.Thủ Đức xem xét giải quyết, đồng thời cầu cứu Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.

NLĐ đến trụ sở Công ty Lá Đỏ tại P.Bình Trưng Tây yêu cầu trả lại tiền hồi tháng 1.2022

NẠN NHÂN CUNG CẤP

Gửi đơn đã lâu nhưng chưa được giải quyết

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 14.10, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay có tiếp nhận đơn của NLĐ, do không thuộc thẩm quyền nên Thanh tra Sở đã chuyển toàn bộ đơn và tài liệu liên quan đến Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH. Sau đó, Cục trả lời Công ty Lá Đỏ có dấu hiệu lừa đảo nên Thanh tra Sở đã chuyển hồ sơ, đề nghị cơ quan công an giải quyết.

Theo lời kể của NLĐ, Công an TP.Thủ Đức có mời những người tố cáo bà Tú và Công ty Lá Đỏ lên làm việc. Ngày 12.5.2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức thông báo với người tố cáo rằng đã tiếp nhận tố giác của các công dân với tổng số tiền hơn 955 triệu đồng. Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức đã chuyển đơn kèm theo tài liệu có liên quan đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an TP.HCM (PC03) để giải quyết theo thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện địa chỉ trụ sở cũ của Công ty Lá Đỏ ở P.Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức đã có đơn vị khác thuê. Người dân khu vực cho hay khoảng tháng 1.2022, Công ty Lá Đỏ chuyển đi đâu không rõ, có vài chục người đến đây đòi tiền đã đóng cho công ty này để đi XKLĐ nhưng không được. Vụ việc gây náo loạn cả hẻm, công an phường đến đảm bảo an ninh trật tự và hướng dẫn người dân làm các thủ tục tố cáo, khởi kiện.

Theo PC03, đơn vị có nhận được phiếu chuyển đơn tố giác (12 đơn) gửi đến PC03 để giải quyết theo thẩm quyền vì Công an TP.Thủ Đức cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ thẩm quyền giải quyết vụ việc là Công an TP.Thủ Đức, nên PC03 đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức xử lý theo đúng thẩm quyền.

Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), về phân cấp thẩm quyền điều tra, thì PC03 chuyển hồ sơ trở về Công an TP.Thủ Đức là phù hợp. Bởi, vụ việc đang ở giai đoạn tố giác tội phạm, vì vậy mỗi cá nhân gửi đơn sẽ có thời hạn giải quyết khác nhau và số tiền khác nhau, nếu xác định số tiền chiếm đoạt dưới 500 triệu đồng/đơn thì thẩm quyền thuộc Công an TP.Thủ Đức.

Tuy nhiên, theo luật sư Phát, nếu Công an TP.Thủ Đức muốn chuyển hồ sơ lên PC03, thì có thể hướng dẫn 18 người bị hại cùng đứng chung một đơn tố cáo, và xác định tổng số tiền thiệt hại trên 500 triệu đồng, thuộc trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, khi đó PC03 sẽ thụ lý. Còn không, nếu giải quyết theo từng đơn thư tố giác, Công an TP.Thủ Đức buộc phải thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Phan Thương - Ngọc Lê - Công Nguyên

Ngày 13.7.2022, PC03 có gửi văn bản trả lời, thông báo rằng đơn vị cũng đã tiếp nhận thêm các đơn tố cáo khác. Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung cùng các tài liệu do Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức chuyển đến và căn cứ vào các quy định của pháp luật nên PC03 trả hồ sơ về Công an TP.Thủ Đức giải quyết vì cho rằng không thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, NLĐ cũng cho biết, mới đây, ngày 13.9, Công an TP.Thủ Đức lại có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm. Thông báo này nêu có thêm người tố cáo, nhưng do không thuộc thẩm quyền nên Công an TP.Thủ Đức chuyển hồ sơ sang PC03.

NLĐ rất tâm tư vì sự việc đã gần một năm trôi qua nhưng vẫn chưa nhận được giải quyết. Anh Huỳnh Văn Tài (ngụ Trà Vinh), cho biết mong thoát nghèo, nghĩ đến đi XKLĐ, vợ chồng anh đã đóng 137 triệu đồng cho bà Tú. “Để có số tiền này, chúng tôi đã bán hết vàng cưới, bán đất và vay mượn người thân. Giờ đây chúng tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải trả lãi hằng tháng. Chưa kể chúng tôi còn bị bà Tú giữ nhiều giấy tờ gốc nên không thể tìm việc làm”, anh Tài nói và rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.