Cậu học trò bị tật ở chân vừa học vừa đi rửa bát để mưu sinh

Khánh Hoan
Khánh Hoan
13/11/2021 09:28 GMT+7

Hình ảnh cậu học trò lớp 12 ở vùng cao Nghệ An bị khuyết tật ở chân nhưng vẫn tranh thủ rửa bát phụ quán ăn để kiếm cơm đi học khiến cư dân mạng rưng rưng.

Cậu học trò có khuôn mặt sáng sủa, điển trai, nhưng đi lại rất khó khăn vì bị khuyết tật vận động. Chưa kể, trao đổi với chúng tôi, Hùng rất khó khăn trong việc phát âm. Thế nhưng, chàng trai vẫn luôn lạc quan và sau mỗi buổi đến trường, cậu lại đến quán ăn ở gần trường để rửa bát và được trả công bằng những bữa ăn, được đăng tải trên mạng xã hội những ngày qua khiến nhiều người xúc động.

Theo xác minh của Thanh Niên, hình ảnh này do thầy giáo Nguyễn Anh Tài, dạy môn thể dục, Bí thư Đoàn trường, ghi lại và đăng tải để chia sẻ hoàn cảnh của em.

Đi lại khó khăn, nhưng Hùng vẫn luôn lạc quan và cố gắng học hành

Rửa bát để kiếm cơm ăn, đỡ tiền ông bà

Ngày 12.11, PV Thanh Niên đã liên lạc với nhân vật trong video này là em Vi Mạnh Hùng (đang học lớp 12, Trường THPT Tương Dương 1, H.Tương Dương, Nghệ An) để tìm hiểu câu chuyện. Hùng quê ở xã Hữu Khuông, một xã biệt lập giữa núi rừng bởi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ xã này ra huyện chưa có đường bộ, phải đi thuyền máy theo sông Nậm Nơn. Năm lên 6 tuổi, bố mẹ ly hôn, Hùng và đứa em gái nhỏ hơn Hùng 3 tuổi phải đến ở với ông bà nội ở cùng bản. Cuộc sống vùng xa xôi này rất nghèo, đi lại khó khăn nhưng cậu vẫn đến trường đúng tuổi và rất ham học. Lên lớp 6, cậu phải đi thuyền và đi bộ mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến được trường THCS đóng ở trung tâm xã và ở trọ tại trường.

Hơn 2 năm trước, Hùng ra huyện để học THPT với quyết tâm sau này tìm được việc làm phù hợp, không trở thành gánh nặng cho người khác. Từ nhà ra huyện rất xa, phải mất 4 giờ đi thuyền và 15 km đường bộ. Hùng là người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn, đi học được nhận chính sách hỗ trợ gạo ăn và tiền, hơn 1 triệu đồng mỗi tháng, được bố trí ở miễn phí trong ký túc xá. Tuy nhiên, sống xa nhà, gia đình nghèo nên cuộc sống trọ học của Hùng cũng khá chật vật.

Năm lớp 11, Hùng đến gặp chủ quán ăn ở gần trường để xin rửa bát, phụ việc. Thấy cậu học trò tật nguyền nên chủ quán thương cảm và đồng ý để cậu đến phụ quán. Từ đó, mỗi buổi sáng trước khi đến trường, Hùng đến quán để phụ giúp rửa bát, dọn hàng rồi đi học. Trưa, chiều cũng vậy, sau mỗi buổi học, cậu lại đến quán để phụ rửa bát. Cùng phụ việc rửa bát cho quán còn có một người em họ của Hùng.

“Bọn em làm không lấy tiền công mà ăn ở quán mỗi ngày 3 bữa. Nếu không làm thì mỗi ngày phải tốn mất 50.000 đồng tiền ăn, nên em phải ráng làm để ông bà ở nhà đỡ vất vả. Em không cho ông bà gửi tiền ra cho em vì ông bà rất nghèo”, Hùng nói.

Ngoài giờ học, Hùng không ngại khó đi rửa bát để kiếm thêm bữa ăn đỡ đần ông bà

Muốn học để tự sống bằng việc làm

Hùng chia sẻ ước mơ của Hùng là sẽ đậu đại học, khoa công nghệ thông tin. Đây là lĩnh vực Hùng rất yêu thích và phù hợp với điều kiện của mình. Học xong tìm được một công việc ở quê. “Nếu không đỗ, em cũng sẽ tìm học một ngành khác để sau này tìm được việc làm phù hợp. Cuộc sống ở quê làm nương rẫy rất khó khăn, em bị thế này sẽ không đi rừng được. Ông bà cũng bảo cứ học đi, rồi ông bà sẽ kiếm tiền cho mà học”, Hùng nói.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tài cho biết anh đã đồng hành với Hùng trong gần 3 năm qua. Sau khi câu chuyện về Hùng được anh đưa lên kênh TikTok của anh, đã có hàng chục ngàn lượt xem, bình luận bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực và lòng hiếu thảo của Hùng. “Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực sống từ tấm gương của Hùng”, anh Tài nói.

Ông Phan Văn Đài, Hiệu phó Trường THPT Tương Dương 1, cho biết hoàn cảnh khó khăn nhưng Hùng rất ngoan, chăm chỉ và rất nỗ lực để học. Cậu rất tích cực trong các hoạt động ở trường dù đi lại, vận động khó khăn. “Ngày 20.11 năm ngoái, Hùng mang 1 gói bánh đến phòng tôi, bảo em không có gì, chỉ có gói bánh này để tặng thầy, nếu thầy chê không nhận thì em buồn lắm. Tôi rất cảm động trước tấm lòng chân thành của Hùng”, thầy Đài kể.

Ông Đài cũng cho biết các thầy cô ở trường cũng luôn động viên Hùng để cậu nỗ lực học. “Đây là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó của trường”, ông Đài nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.