Cậu học trò thành phố 'nằm trên bàn nghe giảng' sáng chế robot siêu thông minh

24/07/2017 13:33 GMT+7

Từ lúc mới biết đi, đôi chân của Hải đã không được bình thường. Thấy con đi không vững, thân hình lại nhỏ hơn so với tuổi, gia đình cứ tưởng Hải bị suy dinh dưỡng. Năm lên 4 tuổi, đang đi tự dưng bị ngã và không đứng lên được, từ đó Hải ngồi một chỗ.

Nằm trên bàn nghe giảng
Từ lúc mới biết đi, đôi chân của Hải đã không được bình thường. Thấy con đi không vững, thân hình lại nhỏ hơn so với tuổi, gia đình cứ tưởng Hải bị suy dinh dưỡng. Năm lên 4 tuổi, đang đi tự dưng bị ngã và không đứng lên được, từ đó Hải ngồi một chỗ.
Gia đình đưa Hải đi khám và chạy chữa nhiều nơi nhưng cũng đành bất lực. Bác sĩ chẩn đoán Hải bị như vậy là do di chứng sốt bại liệt và bị teo cơ.
VIDEO: Cậu học trò Hải "robot" đến trường bằng đôi chân của mẹ
Vì sức khỏe mẹ Hải không cho phép, bà bị sỏi thận nặng nên chỉ có thể đưa đón Hải đi học chính khóa trên trường. Hải không được đi học thêm như các bạn đồng trang lứa, nhưng thành tích năm nào cũng nhất nhì khối. Thậm chí khi lên lớp, Hải còn chỉ cho bạn bè những gì các bạn chưa hiểu.
Lúc Hải lên 8 tuổi, mẹ em mới xin cho em vào học lớp 1. Nhưng nhà trường không tiếp nhận, vì lý do: Hải bị khuyết tật.
“Đại diện nhà trường hướng dẫn tôi đưa con qua học ở trường chuyên biệt hoặc hòa nhập. Tại trường hòa nhập, Hải được xếp học lớp “trẻ thiểu năng, trí não chậm phát triển”, chị Phan Thị Quỳnh Mai (mẹ Trần Phan Thanh Hải) nói.
Biết là con mình trí não vẫn phát triển bình thường, nhưng dù giải thích thế nào, cũng không ai tin chị Mai, không ai cho Hải vào học lớp 1 với những đứa trẻ bình thường, đồng trang lứa khác.
Người mẹ hết lòng vì con dẫu gian khổ cách mấy Ảnh: Khả Hòa
Chị Phan Thị Quỳnh Mai nói thêm: “Lúc đó, tôi chua xót lắm, vì con ham học, mà đi xin thì không trường nào nhận”. Chị Mai quyết định đưa Hải về quê ngoại ở Tiền Giang học và nhờ các cậu của em đưa rước. Cứ mỗi cuối tuần, chị lại về thăm Hải. Đến năm lớp 4, chị Mai đưa Hải trở lại TP.HCM học tập.
Kể từ đó, Hải đến trường bằng đôi chân của mẹ mình. Gia đình Hải trước đây ở trong một căn chung cư cũ, tầng 5 (Q.3). Ngày ngày, chị Mai phải cõng Hải mỗi bận lên hoặc xuống với 100 bật thang. Mỗi lần như vậy, chị phải nghỉ mệt 3 lần.
Năm 2016 (lúc Hải học kỳ 2 năm lớp 9), dù bị sỏi ở cả 2 quả thận, nhưng chị Mai không dám đi phẫu thuật, vì sợ mình ngã bệnh không có ai đưa Hải đi học.
Nhưng thận phải của chị Mai sau đó bị nhiễm trùng, buộc phải mổ gấp. Sau đó ít ngày, Hải cũng ngã bệnh, nghỉ học hơn 2 tháng trời, nhưng em vẫn thi đạt điểm vào lớp 10 với 38,5 điểm.
Chị Mai nói: “Giờ đây, hai mẹ con phải cùng khỏe mới có thể dìu dắt nhau được. Chị gái và ba của Hải không quen cách ẳm bồng, nên rất bất tiện trong mỗi lần đưa rước Hải đi học. Cha Hải trước đây, cũng té từ tầng 5 chung cư xuống đất, nhưng may thay sống sót”.
Vượt qua mặc cảm bản thân vì nhiều lần bị bạn bè trêu chọc, mà theo như mẹ Hải thì mỗi lần đến một ngôi trường mới là cậu bị một đợt stress nặng vì sự hiếu kỳ và trêu chọc của bạn bè, Hải cố gắng tự mày mò học tập để không phụ lòng mẹ.
Đôi tay Hải giờ chỉ còn hoạt động được tay phải còn tay trái thì không thể nào đưa lên được. Với đôi tay yếu ớt này, cậu không thể tự di chuyển bằng xe lăn, mỗi ngày mẹ đưa đến trường đặt Hải vào chỗ ngồi là cậu ngồi một chỗ như vậy đến hết buổi học. Cũng chính vì thế, quãng thời gian đi học của Hải chưa bao giờ có giờ ra chơi. Hải gọn nhẹ bảo: “Dạ em quen rồi”, khi chúng tôi hỏi em có tủi thân hay buồn không.
VIDEO: Ước mơ cháy bỏng của cậu học trò sáng tạo robot kỳ diệu
Hải (thứ ba từ trái sang) cùng bạn bè bên robot thông minh do mình sáng chế Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cũng vì đôi tay yếu ớt nên việc ghi chép của Hải gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cứ một tháng là em bị sốt một lần do biến chứng căn bệnh. Mà cứ một lần sốt là Hải phải nghỉ học vài ngày. Năm học lớp 9, Hải phát bệnh nặng hơn bình thường, nằm liệt một chỗ, tưởng chừng con đường học vấn phải dừng lại ở đây.
Thế nhưng Hải đã xin nhà trường cho phép để được lên lớp và nằm trên bàn nghe thầy cô giảng. Chỉ nằm và nghe giảng nhưng đến khi thi tuyển sinh lớp 10 Hải đã đạt điểm số khá cao và được xếp vào lớp chọn của Trường THPT Marie Curie.

tin liên quan

Nữ sinh cao 1,3 m mơ làm kỹ sư công nghệ thông tin
Từ khi sinh ra và lớn lên, Nguyễn Hồng Phúc, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Tứ Kiệt (TX.Cai Lậy, Tiền Giang) mang trong mình căn bệnh chậm phát triển cơ thể. Vượt qua bất hạnh, Phúc luôn cố gắng học tập và đạt thành tích khá giỏi nhiều năm liền.
Trả ơn cho đời
Hỏi nghị lực từ đâu khiến Hải có thể vượt bệnh tật để đến lớp nghe giảng, Hải nói: “Trong lần đau bệnh nằm một chỗ, nhiều lúc cũng bi quan nhưng nhìn ra ngoài cửa sổ từng vệt sáng vẫn xuyên vào, nghe tiếng trường học rồi tiếng rao của những cô chú bán hàng, em thấy cuộc sống xung quanh mình vẫn đang diễn ra và chắc vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Em phải vượt qua, phải vực dậy để học và trả ơn cho mẹ, cho cuộc đời này”.
Không chỉ vượt qua được bệnh tật, khó khăn để đi tìm con chữ, Hải còn tự mày mò sáng chế nhiều sản phẩm phục vụ cộng đồng và giúp cho người khuyết tật.
Hằng ngày Hải tranh thủ từng giờ mày mò trên mạng để nghiên cứu thêm nhiều công trình giúp cho cộng đồng bởi Hải lo sợ nếu ngày mai liệt nằm một chỗ sẽ không còn nghiên cứu được nữa. Ảnh: Nữ Vương
“Hơn ai hết em hiểu rõ được nỗi đau và những khó khăn mà người khuyết tật đang gặp phải. Chính vì thế em muốn làm một điều gì đó giúp đỡ đầu tiên là cho bản thân và sau đó là cho cộng đồng người khuyết tật”, Hải chia sẻ.
Năm lớp 8, vì ngày nào cũng chứng kiến cảnh mẹ đã quá mệt vì cõng Hải lên 5 tầng vừa phải luồn tay vào cửa để mở khóa. Hải đã nghiên cứu và sáng tạo ra hệ thống khóa trong tự động mở khi số điện thoại gọi đến được cho phép. Với hệ thống này Hải đã giành được giải nhì cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi năm 2015 và giải khuyến khích hội thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2015.
Chỉ nằm một chỗ nhưng Hải vẫn kiên cường sáng tạo nên robot thật đặc biệt Ảnh: Khả Hòa
Không dừng lại ở đó, năm lớp 9, trải qua nhiều lần phát bệnh nặng và Hải thấy được sức khỏe mình ngày càng yếu, cậu sợ một ngày sẽ liệt toàn thân rồi mẹ sẽ vất vả với Hải nhiều hơn nữa. Chính vì thế Hải tiến hành sáng chế robot đa năng dành cho người bị bại liệt.
Con robot này có thể thay con người làm được nhiều việc khác nhau và sáng chế này đã giúp Hải xuất sắc đạt giải nhất lĩnh vực cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố và giải 3 cấp quốc gia.
“Khởi đầu với con số không, em không biết gì về điện tử và lập trình nhưng em đã chịu khó học trên mạng. Năm lớp 8, cô dạy nghề có cho em mấy quyển sách về điện tử và em học thêm trong đó. Do chuyên môn, kỹ thuật chưa vững rồi sức khỏe không cho phép nên khi làm robot, Hải gặp rất nhiều khó khăn, cứ hỏng hết lần này đến lần khác nhưng cuối cùng thì em cũng làm được”, Hải vui mừng kể.
Hiện nay, Hải còn đang hướng dẫn và chỉ dạy các kiến thức về điện tử và lập trình cho 2 bạn học sinh trong trường. Hải mong muốn tạo cơ hội để các bạn đồng trang lứa sáng chế những sản phẩm giúp ích cho cuộc sống.
Và đây cũng là ước mơ của Hải: “Em mong muốn có thể truyền dạy kiến thức về lập trình và sáng chế cho người khuyết tật. Để mỗi người khuyết tật đều cảm thấy mình có ích với xã hội, từ đấy sẽ lạc quan sống hơn”.
“Cuộc sống không bao giờ lấy hết đi của ai cái gì, dù con tôi tật nguyền nhưng trời cho con tôi ý chí, nghị lực và sự ngoan hiền. Đặc biệt là đôi mắt sáng để con tôi học hành, nhìn cuộc sống bằng cái nhìn biết ơn và trân quý”, bà Phan Thị Huỳnh Mai (mẹ Hải) khiêm nhường trước sự ngưỡng mộ của chúng tôi về những thành tích của cậu con trai.
Suốt 16 năm đồng hành cùng con, bà Mai là đôi chân, là nguồn động lực để Hải vươn lên mỗi ngày. “Hải đã bị thiệt thòi vì không lành lặn như bạn bè đồng trang lứa mà nếu còn không được đi học nữa thì mình đã cắt đi một cuộc sống đời thường nhất của Hải. Dù khó khăn mấy cũng ráng cố gắng theo Hải đến cùng. Cố gắng ủng hộ, động viên tất cả những gì con mong muốn và cùng con thực hiện ước mơ”, mẹ Hải thổ lộ.
Robot đa tính năng, nháy mắt để 'ra lệnh'
Con robot mà Hải sáng chế với tính năng lao động đa ngành nên có thể giúp được người bình thường làm việc ở cơ quan, lẫn công việc nhà. Đặc biệt hơn hết, nhờ vào chức năng điều khiển và gõ chữ bằng mắt dựa trên nguyên lý các lệnh điều khiển được hiển thị tuần tự trước mắt và người dùng chỉ cần nháy mắt để chọn lệnh đó. Chính vì thế đây là con robot đặc biệt dành cho người bại liệt toàn thân. Người bị liệt vừa có thể điều khiển robot làm theo ý mình vừa có thể gõ chữ và nhờ robot nói ra hoặc nhắn tin cho người thân theo nội dung chữ đã gõ.
Ngoài ra robot có khả năng học theo con người và nhớ công việc thông qua việc điều khiển nó, vì thế dựa vào chức năng gõ chữ bằng mắt này người dùng có thể nhập tên công việc và robot có thể tự động làm theo trí nhớ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.