Câu hỏi lớn thách thức mô hình cơ bản về vũ trụ

15/04/2024 10:14 GMT+7

Một số tên tuổi lớn của ngành vũ trụ học thế giới tập trung về London (Anh) để cùng mổ xẻ mô hình cơ bản của vũ trụ vốn được xác lập lần đầu vào năm 1922.

Bản đồ 3D mới và lớn nhất từ trước đến nay về vũ trụ

Bản đồ 3D mới và lớn nhất từ trước đến nay về vũ trụ

DESI

Nếu nhìn vào vũ trụ, bên ngoài cấp độ của các hành tinh, sao hoặc thiên hà, con người chỉ thấy một khoảng không trải rộng với những chấm nhỏ và chẳng có đặc điểm gì đáng chú ý. Ít nhất đó là theo cách nhìn thông thường lâu nay.

Con người lâu nay vẫn sai lầm?

Ảnh chụp vũ trụ do kính Hubble thực hiện

Ảnh chụp vũ trụ do kính Hubble thực hiện

HUBBLE

Nguyên tắc mọi thứ trông giống nhau ở mọi nơi là cột trụ cơ sở cho mô hình cơ bản về vũ trụ, nhằm giải thích sự kiện Big Bang và cách thức vũ trụ tiến hóa trong 13,7 tỉ năm qua.

Tuy nhiên, cuộc hội nghị tại Hội Hoàng gia London (Anh) hôm 14.4 quy tụ sự có mặt của một số nhà vũ trụ học hàng đầu của thế giới để đưa ra câu hỏi đầy bất ngờ: chuyện gì xảy ra nếu giả định trên là sai lầm?

Cuộc gặp được tổ chức sau một loạt các quan sát gần đây trong ngành thiên văn học đã thách thức quan điểm truyền thống về mô hình cơ bản của vũ trụ, theo nhà đồng tổ chức sự kiện giáo sư Subir Sarkar của Đại học Oxford (Anh).

"Trong ngành vũ trụ học, chúng ta sử dụng mô hình được thiết lập lần đầu năm 1922. Chúng ta hiện nắm trong tay khối lượng dữ liệu khổng lồ, nhưng cơ bản về lý thuyết lại quá lỗi thời", tờ The Guardian hôm nay 15.4 dẫn lời giáo sư Sarkar.

Những phát hiện bất thường

Hội nghị quy tụ một số nhà khoa học đứng sau các phát hiện bất thường gần đây. Những phát hiện này bao gồm các quan sát cho thấy vũ trụ đang nở rộng nhanh chóng ở một số vùng so với các khu vực còn lại; manh mối về các cấu trúc khổng lồ trên bầu trời đêm và bằng chứng về những dải vũ trụ.

Trong đó, dải vũ trụ dùng để chỉ những dòng sông các vật liệu trải dài ở quy mô không thể giải thích được nếu dựa trên các lý thuyết lâu nay.

Hai cấu trúc khổng lồ thách thức quan điểm truyền thống về vũ trụ lâu nay

Hai cấu trúc khổng lồ thách thức quan điểm truyền thống về vũ trụ lâu nay

ĐẠI HỌC TRUNG TÂM LANCASHIRE

Người phối hợp với giáo sư Sarkar là tiến sĩ Nathan Secrest của Đài quan sát Hải quân Mỹ trình bày những khám phá nêu bật khả năng vũ trụ đang phát triển hơi lệch.

Đội ngũ của tiến sĩ Secrest phát hiện một tìm thấy chứng cứ về việc một bán cầu của bầu trời đêm có vẻ tập trung hơn 0,5% nguồn lực hơn các bán cầu khác.

Điều đó nghe qua chẳng phải là sự khác biệt lớn. Thế nhưng, giáo sư Sarkar cho biết nếu được xác nhận, những gì diễn ra cung cấp chứng cứ làm suy yếu sự tồn tại của năng lượng tối, vốn dĩ phải là thành phần chiếm thế đa số của vũ trụ.

"Phát hiện trên có nghĩa là 2/3 vũ trụ vừa biến mất", theo giáo sư Sarkar.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Konstantinos Migkas của Đại học Leiden (Hà Lan) chia sẻ phát hiện liên quan đến hằng số Hubble, chỉ tốc độ giãn nở của vũ trụ.

"Kết quả của chúng tôi bổ sung một mảnh của câu đó", tiến sĩ Migkas cho biết, thêm rằng những quan sát của nhóm ông không phù hợp với những dự đoán của mô hình tiêu chuẩn về vũ trụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.