Câu hỏi trẻ thơ

01/06/2011 02:26 GMT+7

Có những câu hỏi của trẻ không dễ có câu trả lời và lắm lúc đó chính là vấn đề người lớn cũng bận tâm.

1. Có một lần, con tôi hỏi: “Có phải tất cả những người hiền đều gặp lành?”. Tôi trả lời: “Không phải lúc nào cũng thế”. Cháu phản ứng: “Những truyện con coi đều viết như vậy và người nào hiền cuối cùng cũng có bà tiên giúp đỡ”.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng tuân theo lô-gích tự nhiên đó. Trẻ con được xem là “người hiền” nhưng môi trường sống của trẻ hiện nay thiếu hẳn tính “lành” như sự an toàn, thân thiện, công bằng…

Không phải trẻ con nào cũng được vào học những ngôi trường mầm non khang trang, được chăm sóc cẩn thận nên mới có trẻ 2-3 tuổi bị những người chủ nhóm trẻ gia đình ngược đãi.

Với những đứa trẻ tuy có cuộc sống êm đẹp nhưng môi trường xung quanh đầy rẫy nguy cơ phá vỡ sự an toàn. Ra ngoài đường bị điện giật chết do rò rỉ điện từ cột điện cho đến máy ATM; chạy nhảy gần nhà thì bị rớt xuống hố sâu do đơn vị thi công chưa che chắn… Trẻ cũng thiếu hẳn môi trường văn hóa lành mạnh để vui chơi như công viên, sân chơi an toàn (trong khi đó nhiều khu vui chơi thiếu nhi bị bỏ hoang do thiếu đầu tư, không người chăm sóc). Trẻ con  ngày nay không cần bà tiên giúp đỡ mà cần sự quan tâm và trách nhiệm của những người lớn.

2. Ở lớp, con tôi được cô giáo cho một đề bài: “Hãy viết về một việc làm tốt mà em đã làm”. Cháu kể lại việc lượm được một ngàn đồng trong sân trường rồi mang đến văn phòng đưa cô hiệu phó tìm trả lại bạn bị mất. Giờ sửa bài, cô giáo sửa bài của cháu: 1 ngàn thành 10 ngàn đồng, cô hiệu phó thành cô phụ trách Đội. Cháu về thắc mắc: “Con lượm được 1 ngàn đồng sao cô sửa lại 10 ngàn đồng. Nhưng con đưa cho cô hiệu phó mà!”.

Đối với trẻ lớp 2 việc nhặt được của rơi và tìm cách trả lại cho người bị mất mới là chuyện quan trọng chứ không phải 1 hay 10 ngàn đồng. Sự chỉnh sửa của giáo viên vô tình dạy đứa trẻ có thói quen không nói đúng sự thật. Đó là chưa kể cách dạy này cũng khiến trẻ thiếu hẳn sự sáng tạo và tư duy độc lập - một kỹ năng còn thiếu hụt của giới trẻ VN. Để đảm bảo sự an toàn về tỷ lệ lên lớp, phần đông giáo viên dạy cho học sinh của mình theo những công thức, khuôn mẫu có sẵn và ngại đối diện với những khác biệt. Lâu dần, trẻ con quên mất tư duy độc lập mà chỉ tuân thủ theo những gì đã có.

Đừng chỉ dành cho các em quà, bánh và những quan tâm chỉ trong ngày quốc tế thiếu nhi. Các em cần một môi trường sống an toàn, lành mạnh; một nền giáo dục thân thiện, đề cao sáng tạo và không gò bó, khuôn mẫu… mỗi ngày!

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.