Ngày 8.1 vừa qua, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã làm lễ khởi công xây dựng cầu Kinh Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo hồ sơ thiết kế, tim cầu hoàn chỉnh nằm về phía thượng lưu, cách tim cầu hiện hữu khoảng 408m. Toàn tuyến dài 700m, điểm đầu nhập vào đường Xô Viết Nghệ Tĩnh cách mố cầu hiện hữu về phía trung tâm thành phố khoảng 308m; điểm cuối nhập vào đường Bình Quới, cách mố cầu hiện hữu về phía Thanh Đa khoảng 306m.
Phần cầu dài 325m bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực được thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng. Cũng theo thiết kế, bề rộng phần cầu chính là 21m (tương đương 4 làn xe và 2 lề bộ hành), cầu dẫn (đoạn không có lề bộ hành) là 16m (tương đương 4 làn xe).
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (gọi tắt là khu 1), đơn vị chủ đầu tư, sau khi hoàn chỉnh và đưa vào khai thác, cầu Kinh Thanh Đa có tải trọng thiết kế HL93, tĩnh không thông thuyền 20m. Công trình trọng điểm này do Công ty Cổ phần xây dựng Quyết Tiến thi công phần cầu chính. Tổng mức đầu tư công trình trên 434 tỉ đồng từ ngân sách thành phố.
Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc khu 1 cho biết, thời gian thi công công trình chính là 28 tháng, chia làm 3 gói thầu xây lắp.
Vướng
Để khởi công xây dựng công trình cầu Kinh Thanh Đa, chủ đầu tư phải thu hồi khoảng 2,5ha đất, giải tỏa 93 hộ dân, ngoài ra, phải di dời các hạ tầng kỹ thuật như bưu điện, điện lực, cấp nước, chiếu sáng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có 5 hộ dân di dời, 88 hộ dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác (bưu điện, cấp nước, chiếu sáng) vẫn chưa được di dời.
Ngày 11.1, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, phía mặt bằng thi công cầu Kinh Thanh Đa thuộc P.26, 27, 28 (Q.Bình Thạnh) vẫn còn nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặc dù phần lớn các hộ dân đều thừa nhận tính quan trọng của dự án.
|
Theo ông Trần Minh Thơ, Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh do hiện nay chủ đầu tư chưa xác định ranh của dự án nên chưa thể đặt vấn đề đền bù đối với các hộ dân.
Cầu Kinh Thanh Đa hiện hữu là cây cầu duy nhất nối trung tâm thành phố với bán đảo Thanh Đa. Nhưng do được xây dựng dã chiến từ năm 1975, tải trọng khai thác chỉ 15 tấn, khoảng thông thuyền hẹp nên không đáp ứng được nhu cầu lưu thông cho các phương tiện đường bộ lẫn đường thủy. Mặt khác, dưới chân cầu, nước chảy xiết nên thường gây sạt lở cho nhà dân hai bên bờ.
Theo quy hoạch, bán đảo Thanh Đa là khu thương mại, dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp của thành phố. Trong tương lai, trên bán đảo sẽ hình thành các mạng lưới giao thông nội bộ thông suốt và trong tương lai sẽ xây dựng các cầu nối bán đảo với Q.Thủ Đức, Q.2 tạo thành các tuyến giao thông trục chính ra hướng Đông Bắc thành phố.
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng, khi hoàn thành, cầu Kinh Thanh Đa giúp giải tỏa nạn ùn tắc giao thông trên tuyến đường Bình Quới - Thanh Đa.
Ông Lê Quyết Thắng cũng cho biết, công trình cầu Kinh Thanh Đa được khởi công xây dựng nhằm kết nối trực tiếp bán đảo Thanh Đa với trung tâm thành phố, cải thiện giao thông khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực bán đảo và của cả thành phố.
Trần Duy
Bình luận (0)