|
Lập nghiệp trên vùng đất khó
Anh Trần Ngọc Tây, Phó bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội vốn là một cán bộ đoàn và là người gầy dựng nên CLB SX200 triệu. CLB thành lập năm 2010 với 15 thành viên ban đầu. 5 thành viên chủ chốt, người sáng lập là các anh: Trần Ngọc Tây, Phạm Ngọc Thiết, Nguyễn Minh Duy, Nguyễn Văn Hiệp và Trần Minh Hòa phải cùng chung tay giúp đỡ 10 thành viên khác về giống, kỹ thuật. “Lúc đó, chúng tôi còn khó khăn lắm, nhưng anh em trong CLB động viên nhau, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển kinh tế. Thanh niên mà nghèo thì nói ai nghe”, anh Tây tâm sự.
Theo anh Tây, 5 thành viên sáng lập CLB đã ứng ra 100 tấn mía giống trị giá hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ cho 10 thành viên còn lại có điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thiếu vốn đầu tư. Anh Tây tâm tình: “Đất ở Sơn Hội tốt nhưng lại thiếu nước tưới, toàn bộ phụ thuộc nước trời. Tuy nhiên, vùng đất này đã quy hoạch làm vùng nguyên liệu mía cho Nhà máy đường KCP nên cũng thuận lợi cho phát triển cây mía. Vấn đề là kỹ thuật canh tác. Nếu biết cách chăm sóc, đầu tư hiệu quả thì 1 ha mía ở đây sẽ có năng suất từ 70 - 80 tấn”.
|
Chia sẻ kinh nghiệm ở mỗi lần họp chưa đủ, các thành viên trong CLB hoán công lẫn nhau. Người này đến rẫy của người khác trao đổi kinh nghiệm, cầm tay chỉ việc ngay trên rẫy mía. “Nói thật, ban đầu thì còn e ngại, nhưng qua một vụ thì thấy hiệu quả tức thời. Cả vụ đó, 15 thành viên trong CLB đều có thu nhập hơn 200 triệu đồng”.
Những triệu phú vùng cao
Ở tuổi 36 nhưng anh thanh niên nông thôn Phạm Ngọc Thiết đã có cơ ngơi khang trang với một ngôi biệt thự lộng lẫy giữa núi rừng. Thiết bộc bạch: “Hai vợ chồng cưới nhau về, cha mẹ cho chúng tôi 3 ha đất rẫy. Vợ chồng vay mượn cùng với vốn liếng lúc cưới đầu tư vào 3 ha mía. Và cứ như vậy, “lấy nó nuôi nó” nên giờ vợ chồng tôi có 20 ha trồng mía và 10 ha trồng keo bạch đàn”. Anh Thiết cho biết, riêng 20 ha mía, mỗi năm cho sản lượng từ 1.200 - 1.300 tấn mía, tạo thu nhập cho gia đình anh từ 400 - 500 triệu đồng, chưa kể 10 ha keo, bạch đàn có độ tuổi từ 7 - 8 năm sắp vào thu hoạch.
Nguồn thu nhập “khủng” ở đây vẫn chưa làm cho Thiết thỏa mãn nên anh định đầu tư làm trang trại. “Sắp đến, tôi đầu tư làm trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Tôi đang nghiên cứu nuôi loài gì có hiệu quả cao nhất mà thích hợp với điều kiện khắc nghiệt ở đây”, anh Thiết nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh Duy khởi nghiệp bằng hai bàn tay trắng. “Lúc mới cưới vợ, mảnh đất cắm dùi cũng chưa có nên tôi thuê lại người ta 5 ha để trồng mía. Cũng may, cha mẹ tôi hỗ trợ ít vốn và vay thêm bên ngoài để đầu tư trồng mía. Không ngờ, chỉ sau vài vụ là tôi đã “mua đứt” 5 ha đất mà tui đã thuê”, anh Duy tâm tình. Tuy không xây biệt thự nhưng nhà anh Duy cũng rất khang trang, phương tiện đi lại và trang thiết bị trong nhà đều có. Anh Duy nói: “Hiện giờ, mỗi năm vẫn thu nhập 200 triệu đồng, nhưng tôi nghĩ không để lệ thuộc vào một đối tượng cây trồng mà sẽ đa dạng để thêm nguồn thu nhập. Có đất trồng cỏ, tôi dự định sẽ xây trang trại vỗ béo bò”.
Anh Sô Đa, Phó bí thư Huyện đoàn Sơn Hòa cho biết, đây là mô hình thanh niên tương trợ nhau trong sản xuất tiêu biểu của huyện. “Sắp đến, huyện sẽ nhân rộng mô hình này để giúp các thanh niên lập nghiệp, làm kinh tế gia đình. Và rồi thanh niên ở các xã của H.Sơn Hòa sẽ có CLB SX50 triệu, SX100 triệu...”.
Đức Huy
>> Nhiều câu lạc bộ dành cho sinh viên
>> 2 câu lạc bộ bảo vệ môi trường
>> Thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Bình Tân
>> Ở làng lập nghiệp
>> Xây dựng làng thanh niên lập nghiệp
Bình luận (0)