Câu lạc bộ 'siêu' ái nữ của những người đàn ông quyền lực

02/04/2017 20:02 GMT+7

Không phải đợi tới khi Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump, xuất hiện đầy quyền lực bên cạnh cha mình rồi có văn phòng làm việc riêng tại Nhà Trắng, câu lạc bộ ái nữ của các nguyên thủ khắp thế giới mới được “thành lập”.

Mới đây, có những 7 cái tên lọt vào danh sách BBC 100 Women - Những người phụ nữ truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng trên thế giới mà BBC bình chọn mỗi năm.
Sẽ là nữ thủ tướng thứ 2 của Pakistan?
Suốt 2 nhiệm kỳ không liên tục làm thủ tướng Pakistan của ông Nawaz Sharif (1990 - 1993 và 1997 - 1999), con gái ông là Maryam Nawaz chỉ bận rộn với cuộc sống riêng và cố gắng nuôi 2 con nhỏ ngoài vòng chú ý của dư luận. 
Câu lạc bộ “siêu” ái nữ 1
Ảnh: hdphotos-4u
Để rồi khi ông Sharif phải ngồi tù sau cuộc đảo chính đẫm máu của phe quân đội vào tháng 10.1999 và các thành viên nam của gia đình này bị quản thúc tại gia, Maryam mới cùng mẹ bước ra ánh sáng để thách thức nhà cầm quyền - tướng Musharraf và đấu tranh cho lý tưởng của cha mình.
Salma Ghani, nhà báo kỳ cựu ở Lahore, kể lại: “Thời điểm đó rất nguy hiểm, mọi thứ đều bị kiểm soát, mọi người đều ngại nói chuyện với Maryam qua điện thoại. Khi gặp Maryam tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô ấy rất quyết liệt và cực kỳ lên án chế độ của tướng Musharraf”.
Với sự giúp đỡ từ vua Fahd của Saudi Arabia, 2 mẹ con Maryam đã đạt được thỏa thuận với tướng Musharraf để ông Sharif được ra khỏi tù và cả gia đình đến Saudi Arabia sống lưu vong trước khi trở về quê hương năm 2007.
Và Maryam lại “tái xuất giang hồ” trong cuộc bầu cử năm 2013 với vai trò gương mặt đại diện trẻ tuổi cho Đảng Liên đoàn Hồi giáo (PML-N) của ông Sharif. Maryam đã thành công khi kết nối với thế hệ người trẻ ở Pakistan và giúp cha mình bước vào nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3.
Không khó hiểu khi phe đối lập luôn tìm cách “tấn công” Maryam, thậm chí còn dữ dội hơn cả cha bà bởi họ hiểu Maryam là người “quyền lực” nhất trong chính phủ của ông Sharif, chỉ sau cha bà. “Mỗi ngày họ dành nhiều thời gian ở cạnh nhau. Không ai hiểu quan điểm chính trị của ông Sharif hơn Maryam”, nhà báo Ghani cho biết.
Cho đến nay, câu hỏi liệu Maryam, 43 tuổi có thừa kế sự nghiệp chính trị của cha bà hay không vẫn chưa có lời giải đáp mặc dù Pakistan từng có nữ thủ tướng - bà Benazir Bhutto. Và sự xuất hiện của cái tên Maryam Nawaz trong hồ sơ Panama vẫn là rào cản lớn nhất cho tương lai của bà.
Câu lạc bộ “siêu” ái nữ 2
Ảnh: Reuters
Tài sản vô giá
Là con gái út trong số 4 người con của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Sumeyye Erdogan, 31 tuổi, được nhiều người biết đến là đứa con mà ông Erdogan cưng chiều nhất. “Ông Erdogan gọi cô gái là “gazelle của tôi”.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó là từ chỉ những người vừa giỏi giang vừa xinh đẹp”, nhà báo Irem Koker của BBC tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết. Sumeyye năm 9 tuổi chứng kiến cha mình được bầu làm Thị trưởng Istanbul, 14 tuổi nhìn thấy cha bị bắt và bị bỏ tù vì đọc một bài thơ của tác giả theo chủ nghĩa dân tộc Ziya Gokalp, và năm 18 tuổi cùng cha tận hưởng chiến thắng, trở thành Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003 (đến năm 2014) rồi sau đó là chiếc ghế tổng thống.
Năm 2015, có tin đồn cho rằng Sumeyye sẽ tranh cử quốc hội nhưng rốt cuộc tên của Sumeyye không nằm trong danh sách ứng viên của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền.
Hiện nay, Sumeyye đang khá “yên ắng” với công việc trong một nhóm ủng hộ nữ quyền ở đất nước này. Nhưng ai biết được một ngày nào đó Sumeyye sẽ trở lại. Bởi Sumeyye là đại diện của một thế hệ trí thức tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, từng theo học Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Đại học London, Anh) và Trường về các vấn đề môi trường và quản lý công (Đại học Indiana, Mỹ). Bởi Sumeyye từng là cố vấn của cha bà khi ông lãnh đạo Đảng AKP và từng theo sát cạnh ông trong nhiều chuyến công du.
Chánh văn phòng tổng thống
Câu lạc bộ “siêu” ái nữ 3
Ảnh: news.tj
So với Maryam Nawaz và Sumeyye Erdogan, Ozada Rahmon - con gái của Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon có những bước tiến rõ ràng trong sự nghiệp chính trị. Trước khi được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Tajikistan năm 2007, bà Ozada từng có 2 năm làm tham tán văn hóa và giáo dục của Đại sứ Tajikistan ở Washington, D.C (Mỹ).
Từ khi quay về, Ozada nhanh chóng giành được nhiều sự đề bạt quan trọng, trở thành Thứ trưởng Ngoại giao rồi Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất. Và thành tích mới nhất của bà sau 11 năm làm việc trong ngành ngoại giao là được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng tổng thống vào đầu năm 2016. Tháng 5.2016, bà được bầu làm thượng nghị sĩ.
Ozada, 39 tuổi không phải là người con duy nhất trong 9 người con của vị tổng thống lên cầm quyền suốt từ năm 1992 đến nay giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền. Anh cả của Ozada - Rustam Emomali hiện là thị trưởng của thủ đô Dushanbe và em gái Rukhshona hiện cũng làm việc ở Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, Ozada vẫn là ngôi sao sáng nhất để tiếp quản chiếc ghế tổng thống của cha bà. Giữa năm 2016, một số thay đổi lớn đã được đưa vào hiến pháp của Tajikistan sau cuộc trưng cầu dân ý, trong đó có chuyện giảm độ tuổi tối thiểu của ứng viên tổng thống từ 35 xuống 30. Con đường trước mắt của Ozada thật rộng mở và so với Maryam Nawaz hay Sumeyye Erdogan, Ozada dường như không giấu diếm tham vọng lên ngôi cao nhất đối với bản thân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.