Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM chỉ cách ngắm mưa sao băng đêm nay

Phúc Kha
Phúc Kha
12/08/2024 13:28 GMT+7

Những người yêu thích thiên văn học sẽ được chứng kiến trận mưa sao băng Anh Tiên lớn thứ 2 trong năm. Mưa sao băng đạt cực đại vào đêm 12 rạng sáng 13.8.

Trang In the sky.org thông tin mưa sao băng Anh Tiên được tạo ra bởi các mảnh băng và bụi còn sót lại của sao chổi 109P/Swift-Tuttle. Mỗi năm, từ tầm giữa tháng 7 đến đầu tháng 9, quỹ đạo của trái đất cắt ngang quỹ đạo của những tàn dư này, chúng sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển, tạo nên cơn mưa sao băng tuyệt đẹp với điểm khởi phát từ chòm sao Anh Tiên.

Đặc biệt, đêm nay (12.8) sẽ là thời gian diễn ra cực điểm mưa sao băng Anh Tiên, số lượng có thể lên tới 50 - 70 sao mỗi giờ trong điều kiện trời quang đãng, nhất là ở các vùng nông thôn.

Thời điểm quan sát tốt nhất sự kiện thiên văn này là sau nửa đêm đến rạng sáng. Khi đó, chòm sao Anh Tiên đã lên cao khỏi đường chân trời. Điểm tỏa sáng của trận mưa sao băng trong chòm sao này sẽ có góc quan sát rộng nhất trên bầu trời vào thời điểm này, có khả năng cho phép quan sát một cách thuận lợi nhất.

Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM chỉ cách ngắm mưa sao băng đêm nay- Ảnh 1.

Trận mưa sao băng Anh Tiên nhìn thấy vào năm 2016 từ Ba Lan

JACEK HALICKI

Anh Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, chia sẻ: “Trong khu vực nội đô TP.HCM khả năng quan sát sao băng gần như không thể vì ô nhiễm ánh sáng. Các khu vực ngoại thành như các huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai), tỉnh Long An có thể thấy được các sao băng sáng. Các bạn chỉ cần dùng mắt thường nhìn bao quát cả vùng trời đông bắc lên đến đỉnh đầu từ đêm 12 rạng sáng 13.8. Ngoài ra, đêm 13 rạng sáng 14.8 và đêm 14 rạng sáng 15.8 vẫn có thể xuất hiện nhiều sao băng”.

“Trăng khuyết không ảnh hưởng đến việc ngắm sao băng vì sau nửa đêm trăng sẽ thấp dần về hướng tây. Nếu các bạn sử dụng điện thoại chụp mưa sao băng thì phải bấm liên tục, chọn chế độ chụp time lapse. Năm nay, mưa sao băng Anh Tiên khá thuận lợi khi vào dịp trăng đầu tháng, nếu thời tiết tốt nên thức khuya để xem. Bởi vì, trận mưa sao băng còn lại của năm 2024 là Song Tử, sẽ diễn ra vào tháng 12 đúng dịp trăng tròn”, anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Nguyễn Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, chia sẻ: "Mình có theo dõi sự kiện mưa sao băng qua các trang thiên văn học. Tối nay, mình sẽ cùng bạn bè đi đến những bãi đất trống ở làng đại học Thủ Đức để có thể ngắm sao băng. Mình hy vọng bầu trời đêm nay sẽ không mưa để có thể nhìn trọn vẹn sao băng. Đây cũng là dịp để mình cùng các bạn tìm hiểu thêm nhiều các kiến thức thiên văn học thú vị".

Còn Nguyễn Nhật Đăng, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, nói: "Mấy ngày nay, trong các hội nhóm về thiên văn học, nhiều bạn chia sẻ về cách ngắm và chụp hình mưa sao băng. Mình đã mong chờ sự kiện này từ rất lâu rồi. Đây là cơ hội ngắm và chụp những bức ảnh sao băng tốt nhất. Mình nghe nói nếu ước 1 điều gì khi nhìn thấy sao băng thì điều ước đó sẽ thành hiện thực. Do vậy, tối nay mình sẽ rủ người yêu đi ngắm sao băng để những mong ước của tụi mình sẽ thành sự thật".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.