Cầu Long Biên sống mãi cùng Hà Nội

10/10/2009 23:52 GMT+7

Cầu Long Biên như được sống lại không khí xưa trong lễ hội văn hóa Ký ức cầu Long Biên kỷ niệm cây cầu 105 tuổi đã được tổ chức ngày 10.10, nhân kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô và 999 năm Thăng Long - Hà Nội (10.10).

Được trang hoàng bằng hoa tươi, tranh, thơ và những vảy rồng vàng lấp lánh, 19 nhịp thép hằng ngày vẫn im lìm vắt ngang sông Hồng như bừng tỉnh. Lần đầu tiên, người dân thủ đô chứng kiến sự trở lại của con tàu hơi nước cổ kính, hình ảnh Hà Nội xưa, hình ảnh Hà Nội đón đoàn quân thắng trận trở về cũng được tái hiện trên cầu Long Biên. Những người đã sống chết vì Hà Nội đến cầu Long Biên với mong muốn tìm lại ký ức, tìm lại hình ảnh của mình những năm tháng chiến tranh. “Ngày trước, chúng tôi là thợ làm cầu, dựng cột trụ không có phương tiện hiện đại như hiện nay, nên chúng tôi phải thay nhau ngụp xuống lòng sông để chôn cột. Cứ người này rồi đến người kia, bất kể nắng mưa gió rét”, bác Lộc -  công nhân xây dựng cầu, ở Thanh Xuân, Hà Nội nghẹn ngào kể lại. Những người dân đã từng sống dưới gầm cầu và gắn bó với cây cầu từ thời Pháp thuộc cũng về đây để nhớ lại những năm khốn khó của mình. Những gia đình có người nhà hy sinh khi bắn máy bay Mỹ trên ụ cầu cũng về lại để nhớ đến người xưa.

Tuy nhiên, việc tái hiện hình ảnh và ý nghĩa của cây cầu qua từng thời kỳ lịch sử vẫn còn đôi chỗ thiếu sót. Hình ảnh trưng bày không đầy đủ chú thích, có những chú thích lại là tiếng Pháp. Những ụ pháo 12 ly 7 của đội dân quân tự vệ hay những nơi ẩn nấp của quân dân bắn lại máy bay Mỹ cũng không được tái hiện.

Việc tái dựng lại hình ảnh một cây cầu với chiều dài lịch sử không phải là chuyện đơn giản. Sẽ càng khó khăn hơn khi việc đó chỉ do một cá nhân thực hiện: doanh nhân Việt kiều Pháp Nguyệt Nga. Nhưng lần đầu tiên, Hà Nội đã có một lễ hội văn hóa gợi lại những ký ức đã gắn liền với cây cầu lịch sử.

Hoàn tất xây dựng năm 1903 do kiến trúc sư nổi tiếng Gustave Eiffel thiết kế, Long Biên từng là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất Viễn Đông vào thế kỷ 19. 

Đinh Hương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.