Vào thị sát, kiểm tra tại chân cầu máng số 3, ông Nguyễn Đức Hòa đã nghe đơn vị thi công và đơn vị giám sát báo cáo mức độ sự cố, mức thiệt hại, cũng như phương án xử lý khắc phục.
Sau khi đi kiểm tra hiện trường, ông Hòa đã có có cuộc họp nhanh với các sở, ngành và đơn vị giám sát, thi công tìm giải pháp khắc phục.
Trả lời PV Thanh Niên sau cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hòa cho rằng, sự cố có khả năng bắt nguồn từ việc thiết kế chưa lường hết sức công phá của mưa lũ. Trận mưa lũ vừa qua (ngày 14 - 15.6) có tác động ít nhiều đến công trình cầu máng.
“Thiết kế đã tính đến sức công phá của lũ quét và lượng mưa tại khu vực này trong vòng 40 năm qua. Tuy nhiên, tính toán vẫn chưa chính xác. Tác động của lũ quét đến công trình là có”.
Ông Hòa còn cho biết, để đánh giá khách quan, chính xác về nguyên nhân gây gãy sập cầu máng, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT (chủ đầu tư) và Sở Xây dựng thuê một đơn vị giám định độc lập để xác định nguyên nhân.
“Phải giám định từ khâu thiết kế, đến thi công. Nếu thiết kế đúng thì thi công đạt chuẩn chưa?”, ông Hòa nói. Ông Hòa khẳng định “phải xác định, làm cho rõ trách nhiệm sau khi có kết quả giám định".
Về việc xử lý sự cố sập cầu máng số 3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng: “Không thể xử lý tạm được, vì xử lý tạm có thể sẽ sụt lún trở lại. Phải xử lý toàn diện, triệt để, thậm chí phải thiết kế lại cầu máng này chứ không thể dùng thiết kế cũ”.
Như Thanh Niên đã phản ánh, cầu máng số 3 (thuộc gói thầu 5B, kênh chính Tây, hồ thủy lợi Sông Dinh 3) mặc dù chưa bàn giao đã bị gãy sập, trơ sắt thép ra ngoài. Cầu máng này là ống đúc bê tông, dài 304 m, bắc qua hai con suối ở thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.
Bình luận (0)