Cầu Phú Mỹ giúp TP.HCM cất cánh

12/10/2020 16:15 GMT+7

Từ ngày cầu Phú Mỹ và đường dẫn cầu Phú Mỹ thông xe đã giúp kinh tế TP.HCM cất cánh bởi đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối TP.HCM với các tỉnh ÐBSCL và các tỉnh miền Ðông Nam bộ.

1. Theo một lãnh đạo Công ty CP đầu tư xây dựng Phú Mỹ, khi những mũi khoan bê tông cọc trụ cầu đầu tiên được tiến hành lúc khởi công, toàn công ty vui sướng không thể tả. Nhưng chỉ đến khi công trình thông xe, họ mới hiểu hết được niềm hạnh phúc vô bờ bến vì ước mơ đóng góp được điều gì đó cho đất nước đã trở thành hiện thực. “Nhìn dòng xe qua cây cầu Phú Mỹ nối liền khu vực miền Ðông với miền Tây của đất nước mới thấy tự hào biết bao. Khi đó Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành, động viên khích lệ tinh thần anh em trong công ty, trao Huân chương Lao động hạng 3 cho cá nhân lãnh đạo công ty và Huân chương Lao động hạng 2 cho tập thể cùng Bằng khen cho một số cá nhân khác... Lúc đó mình mới hiểu được thành quả giá trị mình trăn trở làm việc ngày đêm quý giá và hạnh phúc vô bờ bến như thế nào”, vị này nói.
2. Trước đây khi chưa có cầu Phú Mỹ, xe cộ, nhất là xe tải, xe container từ TP.HCM đi các tỉnh hay từ ÐBSCL hay ra miền Ðông Nam bộ đều phải di chuyển qua QL1A hoặc đi vào trung tâm TP dẫn đến kẹt xe, mất an toàn giao thông. Tuy nhiên từ ngày cầu Phú Mỹ hoàn thành, việc di chuyển từ đông sang tây và di chuyển vào các cảng, trung tâm TP trở nên dễ dàng hơn, thông thoáng hơn. Ðặc biệt, hiện nay đang thành lập TP.Thủ Ðức, tuyến đường huyết mạch nối với các tỉnh miền Tây và toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giúp hàng hóa ở các cảng sông cảng biển của TP.HCM, nhất là cảng Cát Lái, một cảng lớn nhất nước thông thương được dễ dàng ra thế giới.
3. Mỗi con người Việt Nam, là thành viên của đất nước Việt Nam, phải có bổn phận đóng góp cho đất nước mình tùy theo khả năng. Vì thế, công ty cố gắng huy động tiền của và nhân tài từ nước ngoài về xây dựng và hoàn thành một cây cầu với chất lượng và công nghệ tân tiến nhất, với tiến độ hoàn thành chưa từng có ở Việt Nam vào lúc đó.
4. Ðể hoàn thành một công trình như cầu Phú Mỹ, còn có sự giúp đỡ hết sức chân thành, tận tâm và vô tư từ chính lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, lãnh đạo sở ban ngành TP, lãnh đạo Bộ Tài chính, đặc biệt Phòng Quản lý vốn nước ngoài. Dự án có sự tham gia hỗ trợ từ tập đoàn nước ngoài như: Tập đoàn Vincy, Freyssinet (Pháp), Bilfinger Berger (Ðức), Bullerstone (Úc), Arcadis (Pháp), Mansell (Mỹ), Tonigee (Anh), Ngân hàng Societe Generale (tại Pháp, Úc, Ðức), Ngân hàng Calyon (Pháp) và chuyên gia đến từ trên 30 quốc gia khác nhau. Họ quyết định tham gia dự án vì tin tưởng vào sự chân thành của công ty và nhờ đó Việt Nam mới có cầu Phú Mỹ hiện đại, sánh ngang cùng các quốc gia phát triển.
5. Cầu Phú Mỹ gắn liền với những con số 9. Cây cầu bắc từ Q.2 qua Q.7 hay ngược là số 9 đầu tiên (2+7=9). Số 9 thứ 2 đến như một cái “duyên”. Khi đó công ty muốn xây dựng một cây cầu với tĩnh không 37,5 m nhưng Bộ GTVT là cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về kỹ thuật yêu cầu phải có tĩnh không 45 m, tạo thêm một con số 9 (4+5=9). Do chiều dài cây cầu, bề rộng và khoảng cách giữa 2 trụ, nhu cầu kỹ thuật cần phải có 72 dây văng trên một trụ, trên một trụ có 4 phía mỗi phía là 18 dây văng. Tổng 2 trụ là 144 dây văng (1+4+4=9), thêm một số 9 nữa. Cũng do nhu cầu kỹ thuật, trụ tháp phải có chiều cao 139,5 m (1+3+9+5=18=1+8=9) một số 9 nữa ra đời. UBND TP muốn công trình phải khánh thành vào 2.9.2009, công trình cũng đã hoàn thành vào ngày 2.9.2009 nhưng dọn dẹp phải mất thêm một tuần nữa mới thông xe được nên lúc 9 giờ 9 phút và 9 giây ngày 9.9.2009 công trình mới chính thức được cắt băng khánh thành. Cái duyên với số 9 cũng là những kỷ niệm không thể quên trong quá trình xây dựng cầu Phú Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.