Gần 2 tháng qua, cầu Thống Nhất bắc qua sông Krông Pắk, nằm trên tuyến đường huyện ĐH07.4 bị sập một nhịp, chia cắt giao thông trong khu vực. Đây là tuyến đường huyết mạch đi các xã Ea Ô - Cư Bông - Cư Yang (H.Ea Kar). Cầu vốn có 3 nhịp, dài 30 m, mặt cầu bê tông rộng 7 m, kết cấu dầm thép. Do ảnh hưởng của mưa lũ, đặc biệt các đợt lũ trong tháng 11 làm sạt lở bờ sông, phần mố cầu bị xói sâu, gây sập một nhịp. Cầu sập khiến đường qua các xã trên, cũng như vào khu tái định cư số 2 thuộc dự án hồ chứa nước Krông Pắk thượng bị ách tắc. Hiện một đầu cầu bị sập nhịp khoảng 10 m, còn trơ phần lan can sắt hai bên bị đứt cong…
Cầu Thống Nhất bị sập một nhịp, chia cắt giao thông trong vùng |
TRUNG CHUYÊN |
Theo ông Đào Xuân Hùng, trưởng thôn 2A, xã Ea Ô, cầu Thống Nhất có vai trò rất quan trọng đối với nhiều thôn trong xã do nằm trên tuyến đường thường xuyên đi lại của người dân trên địa bàn. “Cầu sập khiến giao thông cách trở, hàng hóa nông sản của bà con gặp khó trong giao thương, tiêu thụ. Hơn nữa, học sinh phía bên này cầu đi học phải vòng xa thêm nhiều cây số, sáng sớm phải dậy từ 4 - 5 giờ mới kịp đến trường”, ông Hùng nói. Ông Đặng Đình Hậu, trú thôn 2A, cũng cho biết từ ngày cầu sập đến nay việc đi lại của người dân trên địa bàn rất vất vả. “Trước khi cầu bị sự cố, dân trong thôn đi khoảng 7 km là đến ruộng rẫy của mình, nay phải đi vòng xa gấp 3 lần đường cũ. Mong nhà nước sớm đầu tư sửa chữa, khắc phục cầu để bà con đi lại thuận tiện”, ông Hậu nói.
Mới đây, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk có văn bản đề nghị UBND H.Ea Kar đề xuất UBND tỉnh khẩn trương lập và triển khai phương án khắc phục sự cố sập nhịp cầu Thống Nhất. Theo ban này, dự kiến sẽ sử dụng rọ đá và đá xô bồ kết hợp với khung thép chữ I để gia cố, tăng cường kết cấu móng mố hiện trạng, gia cố mép bờ sông phía thượng và hạ lưu cầu khu vực hố xói; đắp đá và cấp phối đá dăm để làm mặt đường dẫn sau mố cầu. Kinh phí sửa chữa dự kiến khoảng 2 tỉ đồng.
Liên quan sự cố trên, ông Phạm Quang Tân, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng H.Ea Kar, cho biết UBND huyện đã có tờ trình đề nghị các ngành liên quan của tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cầu. Theo ông Tân, mùa này nước sông còn lớn, phải chờ một thời gian nước cạn mới biết mức độ hư hỏng của cầu để có phương án sửa chữa hợp lý. “Tuy nhiên, hiện huyện cũng đang chờ tỉnh duyệt cấp kinh phí thi công sửa cầu tạm thời cho người dân đi lại. Còn về lâu dài phải xây cầu mới, kinh phí rất lớn thì huyện chưa tính đến”, ông Tân nói.
Bình luận (0)