Cầu thần tài ở Đài Loan

21/01/2012 09:03 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Tôi tới thăm Nam Sơn Phúc Đức Cung - một trong những chùa cầu thần tài nổi tiếng linh thiêng nhất Đài Loan. Đặc biệt hơn, lại do Đào Duyên Hải - một cô dâu Việt Nam 32 tuổi ở xứ Đài đã 6 năm qua, đưa đi. Ngôi chùa nằm trên một quả núi cao 302m thuộc khu vực Nam Thế Giác, TP.Trung Hòa (H.Đài Bắc, nay đổi tên thành Vùng đô thị mới Đài Bắc), thuộc quyền sở hữu của nhà chồng cô từ nhiều năm qua. Theo phong tục người Đài Loan, cầu thần tài phải đi vào ban đêm mới linh thiêng vì thần tài lúc đó mới hiển linh. Chùa liên tục mở cửa tới tận 3 giờ sáng để đón mọi du khách từ nhiều vùng xa xôi đổ tới.

Chúng tôi quyết định khởi hành lên chùa từ sau 11 giờ đêm, trong tiết trời se lạnh và mưa phùn bay. Co ro trong chiếc áo khoác mỏng, tôi ngồi sau xe máy do Hải chở, phóng ngoằn ngoèo trên con đường núi dốc quanh co uốn lượn. Hai bên là cây rừng cùng những tượng khủng long bỗng đột ngột thò đầu ra giữa những tán lá rậm rạp hoặc ở một góc đường, càng làm cảnh đêm thêm âm u bí hiểm. Ngay từ dưới chân núi, tượng ông thần tài màu vàng chống gậy đứng sừng sững đã đập vào mắt cùng hai con rồng uốn lượn hai bên. Chân ông thần tài đạp lên điện Thần tài rợp một màu đèn lồng đỏ.

 
Cây cầu tài lộc

Câu chuyện về cuộc đời Hải cùng sự tích ngôi chùa lần lượt được kể trên những vòng cua lên núi. Hải là con gái Hà Nội, số phận xô đẩy làm dâu nhà họ Lữ đã 11 năm qua, nhưng cô mới sang sinh sống tại Đài Loan được 6 năm. Công việc ban đầu của Hải là phụ gia đình chồng bán hàng ăn trên chùa. Cô cũng là người đã hướng dẫn lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu gói bánh tét hồi tháng 5 qua và được đại diện di dân Việt Nam chụp hình lưu niệm cùng ông Mã trong dịp ông vận động bầu cử tháng 11 bởi những thành tích của cô trong các hoạt động xã hội.

 
Tượng thần tài - Ảnh: Lệ Chi

Hàng quán trên chùa đều do gia đình anh chị em chồng của Hải thay nhau phụ trách kinh doanh với thu nhập trung bình lên tới hàng chục ngàn tệ/ngày. Điện thờ thần tài nơi đây vốn có nguồn gốc từ năm thứ 26 thời vua Càn Long nhà Thanh, hiện vẫn còn lưu giữ những điêu khắc cổ tinh xảo. Tới đời bố chồng Hải (vốn xuất thân là chủ thầu xây dựng, cũng lấy một cô vợ Hà Nội xinh đẹp, sắc sảo), ông đã mua trọn khu vực này và cùng mọi người trong dòng họ xây lên ngôi chùa. Đám cưới của Hải và người chồng cũng được tổ chức tại một khu điện dài và rộng ở gần chùa với ngập tràn hoa tươi do người dân quanh vùng gửi tặng. Dưới hai bên chân núi là vô số dịch vụ coi bói, xem tướng, gọi hồn, giải mã thẻ xăm... được mở ra la liệt ăn theo khách hàng. Hải cho biết cô không tin vào những dịch vụ này nhưng khách thập phương vẫn đổ xô vào coi bói và xin đoán tương lai.

Gần tới chùa là một bãi để xe hơi và xe máy khá rộng, khách phải tiếp tục tự đi bộ lên chùa bằng cầu thang xây có tay vịn rất chắc chắn. Nhiều thanh niên Đài Loan vừa cõng bạn gái, vừa khoác túi xách, vừa phải ôm theo chó, mèo đi theo do không yên tâm để chúng ở nhà không người chăm sóc. Nhiều gia đình bồng cả trẻ nhỏ lên chùa trong đêm tối với nguyện ước xin Xuất Sinh nương nương bảo hộ bình an và may mắn cho trẻ. Phần lớn khách thập phương trong chùa đều là thanh niên trẻ, các cặp đôi đang yêu nhau, trong đó không ít các chàng trai rất thành tâm dâng đĩa hoa lan, quỳ xuống khấn vái thành thạo, cũng xóc sấp ngửa xin thẻ không thua kém các cô gái. Để đúng trình tự cúng bái, sau khi thắp nhang, trước tiên cúng Ngọc hoàng, rồi tới Phúc Đức Chính thần, Sơn thần Tinh quân, Xuất Sinh nương nương, Thiệu tài Đồng tử…

Ai muốn xin năm mới thêm nhiều may mắn và tài lộc, nhớ cầm nắm tiền hoặc ví tiền khua lên trên lư hương trước ban thờ vài vòng, vừa khua vừa lẩm nhẩm khấn khứa. Ai muốn đoán định năm mới cũng tung đồng sấp ngửa để xin rút quẻ thăm, tuy nhiên ở đây thay vào đồng xu sấp ngửa thì họ dùng hai miếng gỗ nhỏ bôi sơn đỏ để đánh dấu. Tương ứng số quẻ nào thì tự rút xăm trong hộc tủ sẵn đánh số ở đó ra đọc. Việc giải xăm và xin xăm không phải mất tiền. Trong chùa cũng không có chuyện lộn xộn chèo kéo mua đồ cúng hoặc xin xỏ khách thập phương.

Cúng xong nhớ ra tượng Thần tài lớn bằng đồng để đổi tiền lộc cho cả năm. Chỉ cần nhét một đồng xu 5 hoặc 10 tệ vào tượng, từ tay tượng sẽ tự động lăn ra đồng xu 1 tệ. Nhớ cất kỹ đồng xu lộc này vào ví tiền mang theo người để may mắn quanh năm. Bắt chước những khách thập phương khác, tôi ra sức xoa tay, xoa râu tượng thần tài, xoa đồng tiền trên tượng để lấy may. Những chỗ trên tượng được khách xoa nhiều tới mức bóng loáng. Hải không quên nhắc nhở tôi ra lăn đồng nguyên bảo bằng đồng để dòng tiền trong năm mới được luân chuyển và sinh sôi. Cô cũng cho biết cứ tết đến, các cô dâu Việt ở đây lại cùng

hẹn nhau lên chùa và làm các món ăn truyền thống Việt Nam như bánh tét, chả giò..., tới thăm nhà nhau, cùng phát lì xì cho trẻ nhỏ hoặc rủ nhau đi xem ca nhạc có ca sĩ Việt Nam biểu diễn.

Trong không khí tĩnh mịch thoảng mùi nhang thơm cùng tiếng chuông chùa vẳng từng tiếng một của những khách đi qua cây cầu tài lộc trong điện Thần tài, tôi và Hải cùng hòa vào dòng người qua cầu, lòng thầm mong năm mới nhiều may mắn và bình an.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.