Tự động phát
Cầu thủ Ninh Bình bán độ ở AFC Cup 2014, hàng loạt cầu thủ Đồng Nai ra tòa trong vụ dàn xếp tỷ số năm 2014, trận gặp Than Quảng Ninh ở V-League đều khiến người hâm mộ tẩy chay bóng đá quốc nội.
Bức tranh bóng đá Việt nhuốm màu ảm đạm vì vấn nạn tiêu cực!
Cầu thủ cần được giáo dục ngay từ nhỏ, để hiểu được rằng liên quan đến cá độ bóng đá chính là bước vào cửa tử của sự nghiệp.
Thu nhập thấp khiến cầu thủ trẻ dễ bị cuốn vào con đường kiếm tiền phi pháp, chỉ là bao biện. Vì không lẽ cứ nghèo là được quyền làm bậy? Chẳng phải những ngôi sao đang ở đỉnh cao sự nghiệp, tiền tiêu không hết vẫn bán độ đó sao. Hãy nhớ lại vụ tiêu cực động trời ở Bacolod 2005, Quốc Vượng, Văn Quyến khi đó không thiếu thốn gì nhưng họ vẫn dàn xếp tỉ số để kiếm thêm. Ý thức hỏng dẫn đến hành động sai trái. Vì vậy việc định hướng nghề nghiệp, giáo dục nhân cách cho cầu thủ là cực kì quan trọng.
Học viện HAGL được mở ra hơn 10 năm trước đã cho ra đời lứa cầu thủ giỏi như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Đông Triều...Không chỉ đá bóng hay, họ biết tránh tiêu cực, đem lại hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ. Đó là thành công của bầu Đức khi ông quyết tâm tạo nên thế hệ cầu thủ mới cho bóng đá Việt Nam.
Từ thành công của HAGL đã tạo nên “hiệu ứng domino” khi nhiều học viện và trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác cũng chú trọng đến việc trang bị văn hóa và nền tảng kiến thức cho cầu thủ. Từ đó họ biết lẽ phải, biết nhận thức nên không bị cám dỗ dễ dàng như các lứa đàn anh trước đây.
Tiếc rằng, một số cầu thủ Đồng Tháp đã không được như vậy. Điều kiện bóng đá ở Đồng Tháp không dư dả, chỉ tập trung huấn luyện chuyên môn nhưng phải hiểu rằng bóng đá chỉ là một phần trong đời sống cầu thủ mà thôi. Lứa cầu thủ trẻ tài năng của Đồng Tháp đa phần bị treo giò 6 tháng, vẫn còn cơ hội lớn trở lại với bóng đá. Họ cần được trang bị tốt hơn về kiến thức, kĩ năng sống để khi trở lại sẽ tiến bộ hơn, chơi bóng hết mình, kiếm sống bằng nghề nghiệp và quan trọng hơn nữa là góp sức cho thành công chung của bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)