Tối 4.12, Sở GTVT TP.HCM cho biết, đã gửi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP) đến Hội đồng Thẩm định TP.HCM.
Cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng lên, hạ xuống cho tàu thuyền qua lại
Cầu Thủ Thiêm 4 kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) qua đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) với tổng chiều dài hơn 2,1 km. Trong đó, đường dẫn 2 bên có bề rộng từ 44 - 60 m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp, bố trí vỉa hè cho người đi bộ.
Phần cầu dài hơn 1,6 km, quy mô 6 làn xe, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Điểm đặc biệt của thiết kế cầu Thủ Thiêm 4 là phần cầu có thể nâng lên, hạ xuống. Cụ thể, tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn khi hoạt động bình thường là 15m, và khi có tàu lớn đi qua, phần dầm cầu dài 80 m sẽ được nâng lên 45 m.
Dự án còn làm thêm các nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Huỳnh Tấn Phát, đường Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư và đường Nguyễn Cơ Thạch - đường Bùi Thiện Ngộ.
Ngoài giải quyết bài toán giao thông, cầu Thủ Thiêm 4 với kiến trúc độc đáo, hài hòa sẽ là điểm nhấn thu hút du lịch, tạo thuận lợi cho việc khai thác bến tàu khách quốc tế tại khu bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Xem nhanh 12h ngày 5.12: Cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng lên, hạ xuống cho tàu thuyền qua lại
Để thực hiện dự án, TP.HCM cần khoảng 16,7 ha, trong đó diện tích đất thu hồi khoảng 2,5 ha; diện tích nhà, vật kiến trúc khoảng 3,1 ha. Dự kiến, cầu Thủ Thiêm 4 ảnh hưởng đến 134 trường hợp (gồm 12 tổ chức và 114 hộ dân), kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.387 tỉ đồng do nhà nước chi trả.
Dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án khoảng 6.030 tỉ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng 320 tỉ đồng). Trong cơ cấu tổng mức đầu tư, ngân sách thành phố khoảng 2.826 tỉ đồng còn nhà đầu tư 2.883 tỉ đồng. Riêng cấu phần xây lắp khoảng 4.322 tỉ đồng.
Để thu hồi vốn, nhà đầu tư được thu phí 18 năm 8 tháng. Dự kiến năm 2025 sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thiết kế và thi công trong 3 năm, đưa vào vận hành và thu phí từ năm 2028. Mức phí tùy theo phương tiện, chia thành 5 nhóm, thấp nhất 15.000 đồng/lượt đối với nhóm 1 và cao nhất là 80.000 đồng/lượt đối với nhóm 5.
Bình luận (0)