"Với cầu thủ U.23 Việt Nam, tôi chỉ yêu cầu cơ bản thôi. Các bài tập chuyền, nhận bóng và di chuyển, tất cả đều liên quan đến hoàn cảnh chơi bóng thực tế. Do hệ thống thi đấu chuyên nghiệp không diễn ra trong thời gian dài nên nhiều cầu thủ trẻ mất cảm quan chơi bóng. Tôi hy vọng các giải chuyên nghiệp sẽ trở lại để cầu thủ được chơi nhiều hơn, từ ấy các đội tuyển quốc gia cũng sẽ mạnh lên", HLV Philippe Troussier nói.
HLV Troussier cũng nêu quan điểm, các cầu thủ Việt Nam thi đấu rất ít trong thời gian qua. Cụ thể, V-League 2022 kết thúc giữa tháng 11, trong khi mùa giải 2023 mới diễn ra 4 vòng đấu đã phải nghỉ liền 1 tháng để nhường chỗ cho U.20 và U.23 Việt Nam tập trung. Như vậy, các cầu thủ đang góp mặt tại V-League chỉ chơi 4 trận trong màu áo CLB trong 137 ngày, trung bình 34 ngày mới thi đấu 1 trận.
Với cầu thủ ở lứa U.20 và U.23, thời gian thi đấu còn ít ỏi hơn. Ở giải hạng nhất, nơi phần lớn các cầu thủ trẻ thi đấu, mùa giải 2022 kết thúc hồi cuối tháng 10, còn mùa giải này đến tháng 4 mới bắt đầu. Tức là, các cầu thủ chỉ thi đấu 6 tháng, còn lại nghỉ 6 tháng. Lần gần nhất các cầu thủ đang khoác áo các đội hạng Nhất thi đấu đã diễn ra 5 tháng trước. Đó là lý do ông Troussier nhận xét nhiều học trò mất cảm giác bóng, phải rèn lại từ đầu nhiều kỹ năng cơ bản.
Vì sao đội tuyển Việt Nam chỉ được tập luyện 4 ngày cùng HLV Troussier?
Nhìn chung, số cầu thủ U.23 và U.20, lứa ông Troussier đặc biệt quan tâm, đều có thời gian thi đấu hạn chế. Các cầu thủ ở đây có thể chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên chơi ở V-League, nhưng phần lớn ngồi dự bị. Phan Tuấn Tài (CLB Viettel) với 17 trận, hay Lương Duy Cương (CLB Đà Nẵng) với 21 trận là những cầu thủ trẻ hiếm hoi có chỗ đứng. Khuất Văn Khang, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Đức Việt, Vũ Tiến Long, Huỳnh Công Đến, Lê Văn Đô,... đều chưa có suất đá chính thức.
Nhóm thứ hai đang chơi ở các đội hạng nhất, được ra sân thường xuyên hơn, nhưng số trận lại hạn chế. Mỗi CLB hạng nhất chỉ chơi 22 trận mỗi mùa, chất lượng cạnh tranh không cao. Như vậy, tính cả giải trẻ, các cầu thủ có thể chỉ thi đấu trung bình 25 đến 30 trận mỗi năm, chưa đạt con số 40 trận mà HLV Troussier đặt ra.
"Các cầu thủ rất ít được thi đấu trong 6 tháng qua. Ở châu Âu, các cầu thủ có thể đã đá 40 trận ở khoảng thời gian này", HLV Troussier phân tích. Ông cũng nhấn mạnh: "Chúng ta cần gia tăng tính cạnh tranh, tăng cường nhịp thi đấu của cầu thủ, đặc biệt ở các giải trong nước như V-League. Tôi mong cho các cầu thủ được đá khoảng 40 đến 50 trận trong mỗi mùa giải, và mùa giải V-League có thể kéo liên tục khoảng 10 tháng".
Khi còn huấn luyện đội U.23 Việt Nam, HLV Gong Oh-kyun cũng chờ đợi cầu thủ trẻ được đá nhiều hơn. "Tôi mong CLB tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn. Tôi cũng mong chính các cầu thủ phải cố gắng hơn để được trọng dụng", nhà cầm quân người Hàn Quốc chia sẻ.
Thực tế chứng minh việc được thi đấu thường xuyên giúp cầu thủ trẻ bùng nổ ra sao. Lứa cầu thủ trẻ từng giúp bóng đá Việt Nam thăng hoa thời HLV Park Hang-seo đã thi đấu ở V-League ít nhất 2, 3 năm, thậm chí được khoác áo đội tuyển quốc gia trước khi tạo nên kỳ tích ở giải U.23 châu Á 2018.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định: "Lứa cầu thủ U.20, U.23 hiện tại cũng rất tiềm năng giống lứa đàn anh sinh năm 1995 đến 1997, nhưng vấn đề là chúng ta đầu tư, tạo điều kiện thế nào". Tăng số trận ở cấp CLB, có thêm các giải trẻ,... là giải pháp được tính đến, nhưng quan trọng nhất vẫn là đội bóng cũng cần tạo điều kiện cho quân trẻ được thử lửa.
HLV ở CLB cũng có cái khó của mình, bởi áp lực thành tích, sự cạnh tranh ở V-League rất lớn, có khi thua 3, 4 trận là HLV mất việc rồi", một nhà cầm quân đang làm việc ở V-League chia sẻ. Trước khi chờ đợi được thi đấu nhiều hơn, các cầu thủ trẻ cần nắm bắt cơ hội mỗi lúc được thể hiện. Đó là con đường ngắn nhất để U.23 hay U.20 Việt Nam nâng tầm.
Bình luận (0)