Theo đó, những bức ảnh cầu vồng đôi rực rỡ sắc màu cùng xuất hiện một lúc trên bầu trời lúc hoàng hôn, được cho là chụp tại Hà Nội, Vĩnh Phúc… được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội tối qua (22.7) và sáng sớm nay (23.7).
Những hình ảnh trên nhanh chóng nhận về hàng chục ngàn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Nhiều cư dân mạng tỏ ra tò mò trước hiện tượng này, khi lần đầu quan sát. Bên cạnh đó, không ít người thi nhau chia sẻ những bức ảnh cầu vồng mình nhìn thấy.
Cầu vồng đôi xuất hiện trên bầu trời, nhiều người lần đầu nhìn thấy: Vì sao có hiện tượng này?
Một tài khoản bình luận: "Chiều hôm qua mình cũng thấy cầu vồng này xuất hiện lâu. Nhưng đi đường không mang điện thoại để chụp".
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Maia Nguyễn (ngụ Hà Nội) cho biết khoảng 18 giờ 15 phút chiều tối qua, trong lúc chuẩn bị cơm tối thì bầu trời bên ngoài đổ màu vàng. Vì nghĩ sắp có thời tiết xấu nên chị Maia ra ban công nhà xem thử và bất ngờ nhìn thấy cầu vồng kép.
"Lần đầu tiên mình nhìn thấy hiện tượng này nên lấy điện thoại ra chụp lại liền. Hôm qua trời Hà Nội chiều âm u, không có nắng", chị kể. Chị Phan Trang cũng chia sẻ một bức hình chụp cầu vồng đôi ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) và ấn tượng với hình ảnh trên.
Còn chị Ngọc Thảo, cũng chia sẻ hình ảnh cầu vồng đôi xuất hiện tại khu vực Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Chị cho biết trong lúc đi chợ về, chị vô tình nhìn thấy cầu vồng trên bầu trời.
Cầu vồng thứ 2 xuất hiện ngày càng rõ dần. Theo chị, trước đó rất lâu, chị đã thấy cầu vồng đôi, hôm qua mới có dịp được thấy lại. Còn hiện tượng cầu vồng đơn bình thường, chị đã nhìn thấy nhiều.
Vì sao có cầu vồng đôi?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết hiện tượng 2 cầu vồng cùng xuất hiện sẽ ít hơn hiện tượng 1 cầu vồng bình thường, nhưng không phải là quá hiếm. Ví dụ trong 10 lần cầu vồng xuất hiện, thì sẽ có 2 - 3 lần có cầu vồng đôi.
Theo đó, đặc điểm của cầu vồng đôi này là cầu vồng thứ 2 (cầu vồng phụ) xuất hiện có màu nhạt hơn và thứ tự màu ngược lại so với cầu vồng đầu tiên. Bình thường, cầu vồng thứ 2 rất nhạt, nếu không để ý kỹ sẽ rất khó thấy.
Bản chất của cầu vồng là sự tán sắc ánh sáng mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Cầu vồng có rất nhiều màu sắc, trong đó có 7 màu nổi bật là đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Trên thực tế cầu vồng không phải là một vật thể xác định, mà là hình ảnh phản chiếu của ánh sáng mặt trời qua những giọt nước trong không khí, hiện tượng này còn được gọi là sự khúc xạ ánh sáng.
Các giọt nước có vai trò giống như một lăng kính. Khi ánh sáng mặt trời đi qua lăng kính, các tia sáng bị bẻ cong và sau đó bị phản xạ lại và đi ra ngoài giọt nước theo một góc 42 độ. Điều đó giải thích cho việc chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cầu vồng khi quay lưng lại với mặt trời và nhìn theo một góc 42 độ so với ánh sáng mặt trời.
Còn với hiện tượng cầu vồng đôi, cầu vồng phụ xuất hiện là do sự nhiễu xạ ánh sáng giúp chúng ta nhìn thấy được cả góc 52 độ so với ánh sáng mặt trời. Ở góc 52 độ này chúng ta có thể thấy sự khúc xạ ánh sáng ở bên trong của các giọt nước, trước khi ánh sáng phản xạ và đi ra bên ngoài. Chính vì thế mà cầu vồng phụ có các màu đảo ngược và mờ nhạt hơn. Hiện tượng này xảy ra khi chúng ta có thể nhìn thấy đồng thời hai góc 42 độ và 52 độ so với ánh sáng mặt trời.
“Trong điều kiện bình thường, có thể thấy được 1 cầu vồng. Trong những điều kiện thuận lợi hơn, chúng ta có thể thấy 2, thậm chí là 3 cầu vồng. Tất nhiên, chúng hiếm hơn so với hiện tượng 1 cầu vồng. Chúng giống như là những đường tròn đồng tâm!”, một chuyên gia khác nói thêm.
Bình luận (0)