Được cao tối đa bao nhiêu?
Ngày 20.11, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cục Hàng không Việt Nam đã có ý kiến với Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) liên quan đến thiết kế công trình cầu trên đường ven biển nối từ huyện An Biên - TP.Rạch Giá, Kiên Giang có chiều cao vượt tĩnh không quy định.
Như Thanh Niên đã thông tin, trước đó, tháng 7.2024, Sở GTVT tỉnh Kiên Giang tổ chức thi tuyển tìm phương án kiến trúc cho cây cầu nối từ An Biên - TP. Rạch Giá. Công trình có tổng mức đầu tư dự án 3.900 tỉ đồng.
Qua xem xét 28 phương án dự thi, Hội đồng thi tuyển đã chọn ra 5 phương án vào vòng chung khảo trình bày trước hội đồng. Điều đáng nói là mặc dù giới hạn tĩnh không 45 m đã được lãnh đạo Sở GTVT Kiên Giang phổ biến khi công bố cuộc thi và nêu tại bản đồ nằm trong nhiệm vụ thi tuyển, song đến ngày 2.10, có 1 trong 4 đơn vị có phương án lọt vào vòng trong đã gửi văn bản đề nghị Cục Tác chiến chấp thuận cho phương án thiết kế với 5 trụ cầu cao 78 m, tức vượt quy định 33 m.
Đến ngày 8.10, Cục Hàng không Việt Nam nhận được công văn số 10529/TC QC của Cục Tác chiến về việc tham gia ý kiến đối với chiều cao công trình theo thiết kế cao 78 m nói trên.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu kèm theo và phối hợp với các cơ quan, Cục Hàng không Việt Nam nhận định, độ cao của công trình kiến nghị là 78 m, nằm ở phía Tây của sân bay Rạch Giá, cách ngưỡng đường cất hạ cánh 08 khoảng 4,6 km, cách tim đường cất hạ cánh kéo dài khoảng 650 m.
Theo Nghị định số 32/2016/NĐ-CP của Chính phủ, công trình (đỉnh cầu DV5) có mức cao vượt quá bề mặt hình nón của sân bay là 1 m (độ cao khống chế chướng ngại vật tối đa là 77 m).
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, công trình dự kiến này có độ cao ảnh hưởng đến các phương thức tiếp cận sử dụng thiết bị VOR/DME đường cất hạ cánh 08 và phương thức RNP APCH (LNAV) đường cất hạ cánh 08. Theo đó, độ cao chướng ngại vật tối đa cho phép để không ảnh hưởng đến các phương thức bay là 45 m.
Ảnh hưởng sân bay Rạch Giá khi thời tiết xấu
Văn bản của Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu, trong trường hợp công trình được xây dựng với độ cao vượt quá 45 m theo quy định, giá trị OCA (độ cao tuyệt đối/chiều cao vượt chướng ngại vật - PV) và tầm nhìn khai thác tối thiểu của các phương thức tiếp cận sân bay sẽ phải nâng lên. Từ đó làm giảm năng lực khai thác và khả năng tiếp thu tàu bay của sân bay Rạch Giá trong điều kiện thời tiết xấu, mây mù, mưa giông.
"Đối với ngành hàng không dân dụng, chúng tôi mong muốn duy trì độ cao chướng ngại vật trong khu vực này đáp ứng yêu cầu hiện tại để không ảnh hưởng đến việc khai thác bay tại sân bay Rạch Giá. Trong trường hợp có ý kiến khác, đề nghị Cục Tác chiến có ý kiến để các cơ quan có thẩm quyền liên quan nghiên cứu để tiếp tục thực hiện theo quy định", văn bản của Cục Hàng không Việt Nam nêu.
Cũng liên quan đến công trình trên, vào cuối tháng 9, khi phát hiện 1 phương án lọt vào chung khảo có thiết kế chiều cao tĩnh không vượt quy định, 2 trong 4 đơn vị khác cũng có tác phẩm lọt vào chung khảo đã gửi công văn đề nghị Sở GTVT tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư) và Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (TP.HCM, đơn vị tổ chức cuộc thi) làm rõ giới hạn tĩnh không sân bay Rạch Giá tại vị trí xây dựng cầu. Hai đơn vị trên cũng cho rằng, việc chọn phương án có thiết kế vi phạm quy định tĩnh không sân bay Rạch Giá vào vòng trong là không đảm bảo công bằng giữa các phương án dự thi.
Công trình cầu trên tuyến đường bộ ven biển nối từ An Biên - TP. Rạch Giá có tổng mức đầu tư dự án 3.900 tỉ đồng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 3,71km, trong đó cầu qua vịnh Rạch Giá dài khoảng 2,8km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 - 2029, sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh. Vị trí cây cầu bắc qua cửa sông Cái Bé, Cái Lớn, nhìn ra vịnh Rạch Giá, thuộc đường ven biển nối Kiên Giang - Cà Mau.
Bình luận (0)