'Cày' 3 năm để lo đám cưới

Thanh Nam
Thanh Nam
18/10/2022 11:50 GMT+7

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để hỗ trợ tổ chức đám cưới, chính vì thế, không ít cặp đôi đã phải "lao tâm khổ tứ", nhiều bạn "cày" 3 năm chỉ để lo chuẩn bị cho sự kiện trọng đại của đời mình.

Dự định đám cưới phải liên tục trì hoãn vì không đủ kinh phí

Để đủ tiền lo cho một đám cưới tươm tất, Hoàng Văn Quý (32 tuổi, nhà ở đường Tô Vĩnh Diện, P.Hoa Lư, TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết đã phải nỗ lực làm việc suốt cả 3 năm qua.

Để lo cho đám cưới, nhiều người trẻ phải nhọc lòng lo lắng

X.P

Khi bắt đầu nghiêm túc nghĩ tới chuyện gắn kết cuộc đời để về chung một nhà, nhưng lại không thể nhờ sự hỗ trợ của hai bên gia đình, Quý phải "tự lực cánh sinh".

Quý cảm thấy nhọc lòng khi hỏi những người đi trước về việc có bao nhiêu tiền mới đủ cưới vợ. Khi nghe danh sách dài đằng đẵng với những khoản chi mua: nhẫn cưới, nữ trang cho cô dâu, chụp ảnh cưới, làm thiệp mời, hay thuê trang phục, quay phim, chụp ảnh, thuê xe đưa rước, mâm quả, cũng như chi phí đãi tiệc cưới... lên đến hơn 240 triệu đồng làm Quý đau đầu.

Và chàng trai này bắt đầu lao vào công việc để dành tiền cưới vợ. "Suốt 3 năm 'cày cuốc' không ngừng nghỉ, tôi mới đủ tài chính để lo cho đám cưới", Quý kể.

Đấy cũng là tình cảnh chung của nhiều người trẻ khi nghĩ đến trang mới của cuộc đời, đó là chuyện cưới chồng, cưới vợ. Để tích lũy đủ số tiền khá lớn lo chi phí cho sự kiện cưới hỏi, người trẻ chỉ biết nỗ lực hết sức trong công việc.

"Không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để lo cho con cái trong sự kiện quan trọng trong cuộc đời. Sẽ có một khoản tiền mừng của quan khách để bù đắp lại về sau, nhưng chẳng phải ai cũng có thể mượn hay ứng trước từ người khác. Nên người trẻ phải tự lo. Hàng tá chi tiêu trước ngày cưới, trong ngày cưới... tốn rất nhiều tiền. Đó vừa là động lực để chăm chỉ hơn, nhưng cũng là áp lực nặng nề cho những người có thu nhập thấp", Đào Thanh Nhân (30 tuổi, nhà ở xã Long Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) nói. Chàng trai cũng đã phải làm việc ngày đêm suốt gần 4 năm, thường xuyên nhẩm tính "còn thiếu bao nhiêu tiền" mới đủ lo cho một đám cưới chỉn chu...

Cũng có những người trẻ chia sẻ thật lòng, rằng vì làm hoài mà không có dư, không chuẩn bị đủ kinh phí nên những dự định cưới phải liên tục trì hoãn.

Nhiều câu chuyện bi hài xoay quanh chuyện cưới hỏi, mà trong đó có chuyện... sui gia hục hặc, cự cãi, không cùng quan điểm

Q.P

Sui gia cự cãi...

Đỗ Tiến Long (31 tuổi, ở hẻm 31 đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) và Phan Thị Oanh (28 tuổi, ở chung cư Richstar Tân Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng, sau bao nhiêu trắc trở cũng thành vợ thành chồng.

Bởi lẽ cặp đôi này những tưởng được về chung nhà từ 3 năm trước. Nhưng khổ nỗi, hai bên gia đình cứ liên tục... không vừa lòng với nhau về việc chọn ngày, giờ cưới. "Bên phía nhà tôi đi 'xem thầy', được bảo nên cưới vào tháng 9.2019. Nhưng bên phía nhà vợ lại bảo thời gian đó không tốt, cưới là tình duyên đứt đoạn. Những hục hặc xảy ra thường xuyên. Đến tháng 8.2022 vừa rồi mới có chung tiếng nói", Long kể.

Chuyện người lớn hai bên gia đình bất đồng quan điểm trong việc "chốt" về ngày giờ tổ chức lễ dạm ngõ, ăn hỏi, ngày cưới, đặc biệt là chuyện lễ nghi... đã khiến nhiều người trẻ phát rầu.

"Người trẻ nghĩ đơn giản. Người lớn đa số còn nặng nề về sự ràng buộc của những phong tục. Và mỗi địa phương lại có những tục lệ riêng. Để rồi trở thành những vướng mắc, mà đôi khi không bên nào chịu bên nào, không thể tháo gỡ, khiến những dự định cưới phải rơi vào cảnh năm lần bảy lượt lùi ngày", Trần Thanh Vinh (32 tuổi, nhà ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) tâm sự.

Như khi Vinh cưới vợ vào tháng 2.2022, chỉ chuyện xoay quanh lễ vật của lễ ăn hỏi nhưng làm hai bên gia đình không bằng lòng với nhau. Người nhà của Vinh dự định sẽ mang 5 tráp ăn hỏi. Nhưng phía nhà vợ của chàng trai này muốn 11 tráp (mâm quả sính lễ). Cuối cùng, sau nhiều lần "nâng lên hạ xuống" mới chốt được con số 9 tráp ăn hỏi. Ngay sau khi giải quyết được chuyện tráp ăn hỏi, hai bên gia đình lại không thể thống nhất vào số tiền trong phong bì cho lễ lên đèn. Bên này nói ít, bên kia nói nhiều, những lình xình diễn ra liên tục khiến Vinh và vợ stress nặng.

Một trường hợp khác, Huỳnh Vũ Thạch (29 tuổi, đang làm việc tại một công ty bao bì nhựa ở KCN Tân Bình, TP.HCM) cũng từng là người trong cuộc của chuyện muốn "nổ não" vì chuyện cưới hỏi.

"Có những giai đoạn, vì không thể thống nhất số lượng người trong đoàn rước dâu, nên phía vợ lên tiếng định... "không gả con gái nữa". Khi đó, tôi và vợ không biết phải làm sao. Không nghĩ rằng chuyện cưới hỏi cũng nhiêu khê và phức tạp đến vậy", Thạch nhớ lại.

Theo Thạch, trong đoàn rước dâu thường dựa theo quy tắc đếm số lượng người 1, 2, 3, 4, 5 tương ứng với sinh, lão, bệnh, tử, sinh, cứ thế mà đếm lên. "Phía nhà tôi chọn 6 người, ý muốn sống thọ. Nhưng phía nhà vợ muốn phải chọn số người tương ứng với sinh. Chỉ có vậy thôi mà cãi qua cãi lại suốt nửa năm trời. Hai bên cứ trách móc là không tôn trọng ý kiến, không nể nang sui gia", Thạch kể.

"Cũng định cưới vợ. Nhưng nghe nói để chuẩn bị cho một đám cưới phải có trong tay 200 triệu đồng nên cũng chưa biết khi nào hôn nhân mới diễn ra", Huỳnh Thanh Bình (34 tuổi, nhà ở đường Tăng Nhơn Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ.

"Mỗi nơi có những tục lệ cưới hỏi khác nhau nên đó là lý do khiến nhiều cô dâu chú rể phải nhức đầu trong việc hòa hợp hai phía gia đình. Nhiều bạn bè của tôi, thậm chí bản thân tôi cũng từng cảm thấy ngột ngạt vô cùng khi phải tìm cách làm hai bên gia đình gắn kết", Trần Công Trọng (35 tuổi, nhà ở số 231 Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM), nhận định.

"Đúng là chuyện không của riêng ai. Ai trải qua chuyện đám cưới mới thấy cũng khổ ải trần ai chứ không phải là đơn giản", Trần Hữu Danh, nhà ở 246/10 đường số 8, Q.Bình Tân, TP.HCM, bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.