|
Cây bạch đồng nữ còn có tên gọi là bần trắng, mấn trắng... Bạch đồng nữ có 2 loại: cho hoa màu trắng gọi bạch đồng nữ, cho hoa màu đỏ gọi là xích đồng nam. Bạch đồng nữ thuộc dạng thảo, cao từ 1 - 1,5 cm, lá hình trứng dài từ 10 - 20 cm, rộng từ 8 - 18 cm, đầu nhọn, phía cuống hình tim hay hơi phẳng, mép có răng cưa to, mặt dưới có màu vàng nhạt, trên những đường gân có lông mềm, vò lá ngửi có mùi hôi.
Theo y học cổ truyền, bạch đồng nữ có vị hơi đắng, tính mát, đi vào 2 kinh tâm và tỳ. Bộ phận thường được dùng làm thuốc là vỏ, rễ, lá phơi khô, nên hái lá vào thời gian gần ra hoa là tốt nhất. Lá có tác dụng chống viêm cấp tính rất tốt.
Từ xa xưa, bạch đồng nữ là một cây thuốc rất quý đối với các bệnh của chị em, như các bệnh khí hư, huyết trắng, kinh nguyệt không đều, đau bụng trước chu kỳ kinh... Liều dùng thường là 20 gr lá khô, và thường phối hợp với các vị khác như hương phụ, ích mẫu, ngải cứu (mỗi thứ từ 8 - 10 gr) đem sấy khô, sắc uống trong ngày. Bạch đồng nữ có tính làm giãn mạch rất tốt nên thường được sử dụng trong bệnh cao huyết áp ở giai đoạn 1 chưa rõ nguyên nhân, và bệnh xơ vữa động mạch. Liều dùng 10 - 20 gr lá khô, có thể cho thêm lá dâu tằm 10 gr, rễ tranh 5 gr, sắc uống trong ngày, cộng với người bệnh thực hiện chế độ ăn nhạt, giảm đạm mỡ động vật.
Trước đây, người dân vùng núi phía bắc dùng bạch đồng nữ hoa đỏ, thêm cây chó đẻ răng cưa, nhân trần (mỗi thứ 12 - 16 gr) đem sao vàng hãm với nước sôi để uống trong ngày, uống trong 3 - 4 tuần để trị viêm gan thể vàng da niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt do bị tắc mật. Ngoài ra, người dân vùng núi còn dùng lá bạch đồng nữ tươi đem vò nát cho vào ít muối để nấu nước tắm khi bị ghẻ ngứa, mụm nhọt, chốc lở ở đầu.
Về sau này, có một số trường hợp người dân mắc hội chứng thận hư nhiễm mỡ cũng dùng bạch đồng nữ chữa trị, bằng cách: mỗi ngày dùng 30 gr bạch đồng nữ đem sao vàng thơm, thêm vào 10 gr rễ cỏ tranh săn (hoặc râu bắp khô) đem nấu uống thường xuyên trong 3 tháng.
BS Trang Xuân Chi
>> Hoa đỗ quyên chữa được nhiều bệnh ở phụ nữ
Bình luận (0)