Cây đại thụ của văn học Nam Bộ ra đi trong lặng lẽ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/01/2019 09:46 GMT+7

Sáng 4.1, tin về sự ra đi của nhà văn Trần Kim Trắc đã được lãnh đạo Hội Nhà văn TP.HCM chính thức xác nhận. Vì lý do riêng của gia đình nên dù ông mất từ trước Tết Dương lịch nhưng giờ mới được thông báo.

Được biết, cùng với “ông già Nam Bộ” Sơn Nam, nhà văn Trần Kim Trắc cũng được xem là một trong những cây đại thụ của văn học Nam Bộ. Ông sinh năm 1929 tại Chợ Gạo (Tiền Giang) và sinh sống tại TP.HCM. Ngoài tên thật, nhà văn còn có bút danh là NT và Trần Kim.
Tổng Biên tập NXB Trẻ trao tiền tác quyền cho gia đình và nhà văn Trần Kim Trắc
Nhà văn lúc còn "phong độ"
Là người con của miền đất phương Nam hào sảng, nhà văn Trần Kim Trắc (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM) có rất nhiều trang viết đặc biệt đậm chất Nam Bộ. Những tác phẩm xuất sắc của ông đã xuất bản và rất được yêu thích: Chuyện nàng Mimô (truyện ngắn, 1999), Con trai ông tướng (truyện ngắn, 1998), Trăng đẹp mình trăng (truyện ngắn, 1997), Học trò già (truyện ngắn, 1997), Ông Thiềm Thừ (truyện ngắn, 1994), Hoàng đế ướt long bào (tiểu thuyết,1996), Cái bót (truyện ngắn, in chung 1989), Con cá bặt tăm (truyện ngắn, in chung 1990), Cái lu (truyện ngắn, 1954)… Trong đó, truyện Ừ, đi, ừ của ông được sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển thành kịch Sài Gòn có một ngã tư công diễn vào dịp Tết vừa qua.
Nhà văn từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín về văn học và nghệ thuật: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn "Con người và cuộc sống hôm nay" do Hội Nhà văn TP.HCM và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức năm 2012, Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1945 - 1954 với truyện ngắn Cái lu và Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 với tập Ông Thiềm Thừ. Truyện ngắn Ông Thiềm Thừ được nhà văn Trần Kim Trắc phát hiện nhiều chi tiết độc đáo về loại sinh vật nhỏ nhoi nhưng mang đầy trăn trở số phận: “Rừng vắng, nước ngòi trong veo, róc rách dưới vòm cây lá. Từng đàn bướm bay lượn đua nhau khoe sắc. Tôi đang ngồi mài rìu chờ các bạn sơn tràng vào đông đủ, cùng nhau lên núi hạ gỗ. Chợt lá khô xào xạc, nghe như có vật gì rơi bên kia bờ suốị. Tôi ngước nhìn, tình cờ phát hiện một hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy. Vật rơi là một con cóc cụ, tuổi không rõ bao năm, nhưng thân to bằng cái bát úp, lớn gấp ba loại cóc thường thấy ở miệt vườn. Chữ gọi là "thiềm thừ" hẳn để ám chỉ loại cóc nàỵ áo da sần sùi, u nần, vàng cóc tía, chữ gọi là thiềm tô. Từ trên cao lăn xuống, miệng ông thiềm thừ còn ngậm con ong lỗ đen thui to bằng ngón tay út. Nửa thân con ong lỗ nằm gọn trong mồm cóc, đầu, chi trước và một phần cánh còn ở ngoài ngo ngoe chưa chết hẳn. Ai cũng biết, nọc độc của loại ong lỗ này nguy hiểm vô cùng, to như trâu, cổ bị ong lỗ chích một mũi thôi đã phải rống. Vậy mà con cóc tía dại dột dám đớp ong lỗ để lãnh đủ vào giữa họng cả cái ngòi ong và nọc độc của nó. Hơn hết, miệng là nơi thần kinh cảm giác nhạy nhất. Ai có lần ăn phải chiếc bánh có kiến, bị một con kiến cắn vào môi, hẳn đã rõ đau đớn khó chịu đến mức nàọ. Cả một vết ong châm vào giữa đốc vọng con cóc bé nhỏ quả là một cú sát tử. Tôi nhìn lên trên vách suối thấy một cái hang ong lỗ, thỉnh thoảng có dăm ba con bay về, bên cửa tổ một số ong hung hăng đứng gác. Miệng hang cao hơn chỗ cóc rơi hơn thước, giữa chừng có những phiến đá từ lòng đất nhô ra rêu phong theo thời gian” (Trích).
Một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Trần Kim Trắc
Là người sống rất lặng lẽ nên đây là lần hiếm hoi giới truyền thông được tiếp cận ông
Ông già Nam Bộ Trần Kim Trắc qua nét vẽ của họa sĩ
Nhà báo Ngô Kinh Luân kể về kỷ niệm với ông: “Quãng độ dăm năm trước, ngày tôi còn trẻ, ngày căn hộ của nhà văn Trần Kim Trắc còn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM, tôi có dịp hầu chuyện ông. Bây giờ, căn nhà cũ đã đổi chủ, vợ chồng nhà văn về sinh sống trong căn hộ nhiều tầng, mỗi tầng là mỗi gia đình, đều cùng huyết thống. Căn nhà đẹp hơn căn nhà trước rất nhiều, sàn lót ván, sạch bong. Vẫn thói quen cũ, ông vừa ngồi xuống đã đốt thuốc lá, hút vài hơi rồi để tự tàn. Ông nói, bây giờ ông sống mà như không sống. Chỉ từ căn phòng ngủ sang phòng đọc sách, ít tụ tập, ít bạn bè, chỉ nghĩ. Một kiểu ở ẩn, theo cách của riêng ông. Thật ra thì nhà văn Trần Kim Trắc đã ở ẩn từ lâu rồi, bởi họa hoằn lắm người ta mới thấy ông xuất hiện trên truyền thông, trò chuyện một chút về nghiệp viết lách”.
Tin ông mất đi thật sự bất ngờ. Tổng Biên tập - Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt còn chưa tin đó là sự thật. Anh tâm sự: “Ông già sống hay lắm. Có thể nói ông Trần Kim Trắc là nhà văn Nam Bộ tâm huyết, lối viết văn cực kỳ duyên dáng nhưng bản tính thì lặng lẽ, khiêm tốn nên đều được mọi người quý mến. Vì vậy mà NXB Trẻ đã quyết định mua toàn bộ tác quyền của ông trọn đời…”.
Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trần Văn Tuấn cho biết: “Tôi cũng chỉ mới nghe anh em ở văn phòng vừa báo là ông mất cách đây 2 - 3 tuần nhưng do có đám cưới chạy tang của đứa cháu mà ông thương nhất diễn ra ngay sau đó nên gia đình tạm thời không thông báo gì, cho đến hôm nay thì mới hay hung tin”. Nhà thơ Phan Trung Thành ở Văn phòng Hội Nhà văn kể: “Lâu nay người nhà của ông vẫn hay đến Hội nhận tiền hỗ trợ dành cho nhà văn trên 70 tuổi nhưng gần đây anh ấy gọi điện thoại báo là ông đã mất tại nhà riêng từ trước Tết Dương lịch. Thật buồn…”.
9 giờ sáng nay 4.1, trao đổi với PV Thanh Niên, anh Võ Anh Tuấn - cháu ruột nhà văn Trần Kim Trắc cho biết: "Ông mất tại nhà riêng số 133/38/10 đường Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình, nhưng do gia đình quá neo người, tôi lại phải tổ chức đám cưới ngay vào hôm sau nên chỉ kịp khâm liệm ông có 1 ngày rồi đưa đi hỏa táng theo ý nguyện của ông, để rồi ngày 19.1 đưa vào thờ ở chùa Hưng Phước (đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TP.HCM). Thương ông lắm...". Anh Tuấn cảm động. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.