Dân Lý Sơn trồng dâu không phải để nuôi tằm như chức năng của loài cây này, mà để làm một việc khác, thiêng liêng hơn nhiều: dùng làm xương cốt cho hình nhân trong các ngôi mộ gió. Vì vậy, người Lý Sơn không biết nuôi tằm, dệt vải nhưng cây dâu vẫn tồn tại như một lẽ đương nhiên trong đời sống tâm linh của họ suốt mấy trăm năm qua. Họ gọi cây dâu là “cây thiêng” là vì thế.
Các cuộc ra đi bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để đến Hoàng Sa của nhiều thế hệ ngư dân trên đảo Lý Sơn đã gắn liền với câu ca dao thấm đẫm bi hùng: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về”. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì hằng năm cứ vào tháng hai âm lịch, dân Lý Sơn cắt cử 70 binh phu đi trên 5 chiếc thuyền nan, chuẩn bị lương thảo cho 6 tháng ăn, trực chỉ Hoàng Sa. Mỗi binh phu còn mang theo hai chiếc chiếu, 7 đòn tre, 7 cuộn dây mây và một tấm thẻ bằng tre có khắc tên họ, bản quán từng người. Nếu chẳng may hy sinh, binh phu đó sẽ được đồng đội bó xác vào chiếu, nẹp lại và thả xuống biển với hy vọng rằng nếu may mắn dạt vào một bờ biển nào đó thì nhân dân sẽ biết tung tích của người xấu số để nhắn tin về cho thân nhân của họ. Rất nhiều người trong số ấy đã “một đi không trở lại”. Họ đã vĩnh viễn nhập vào lòng biển cả và biến thân xác của mình thành những cột mốc của biên cương Tổ quốc. Tưởng nhớ họ, người dân trên đảo đã đắp những ngôi mộ gió. Bên trong những ngôi mộ này là hình nhân được làm bằng đất sét, bên trong cũng có xương, cốt, được làm bằng thân cây dâu. Theo quan niệm dân gian ở Lý Sơn, dâu là cây xua tà ma nên linh hồn của người lính hy sinh ngoài Hoàng Sa sẽ dễ dàng “nhập” vào xương cốt ấy.
Cây dâu vì thế vẫn song hành cùng họ suốt mấy trăm năm qua. Họ quan niệm rằng, dù là ra Hoàng Sa để bảo vệ biên cương hay chỉ để đi đánh cá thì sự có mặt của người Việt Nam trên biển Đông là một cách để khẳng định chủ quyền đất nước mình. Mỗi chiếc tàu đánh cá là một cột mốc biên cương trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Vì vậy, mỗi cái chết của ngư dân trên biển cũng đều là một sự hy sinh, họ cũng sẽ được đắp những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn để tưởng vọng. Đó là lý do mà “cây thiêng” tồn tại trên hòn đảo này.
Trần Đăng
Bình luận (0)