Ở trẻ bình thường, khoảng 6-8 tháng đã có thể nhận biết được tiếng mẹ, tiếp theo là biết thể hiện thích nghe loại âm thanh nào đó; có khả năng tiếp nhận, bắt chước các ngôn ngữ giao tiếp thông thường; làm theo các hướng dẫn, dạy bảo đơn giản của người lớn. Nếu không có những biểu hiện thông thường này, cần kiểm tra thính lực cho trẻ. Khi xác định trẻ bị điếc, có thể phục hồi khả năng nghe bằng phương pháp cấy điện cực ốc tai.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tuyết Xương, khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết cấy điện cực ốc tai là kỹ thuật khó, đòi hỏi kết hợp đồng bộ giữa các nhà thính học, tâm lý, tai mũi họng, phẫu thuật, phục hồi ngôn ngữ. Cả quá trình này thực hiện trong quãng thời gian 2-5 năm (với trẻ bình thường) kể từ khi trẻ được chẩn đoán đến khi được phẫu thuật cấy điện cực ốc tai và chương trình phục hồi ngôn ngữ sau phẫu thuật. Với trẻ chậm phát triển, thời gian phục hồi ngôn ngữ sẽ lâu hơn nữa.
Trước khi cấy điện cực ốc tai, trẻ cần được kiểm tra chẩn đoán về thính lực, cần được đánh giá về chỉ số IQ; kiểm tra ốc tai. Đặc biệt, gia đình phải được giải thích đầy đủ về kết quả có được sau cấy điện cực ốc tai (vì có thể có trường hợp không như mong muốn). Đặc biệt, sau khi cấy điện cực ốc tai, trẻ cần được các chuyên gia luyện nghe, nói. Bố mẹ nên học kỹ năng luyện nói, nghe và thực hành với trẻ tại gia đình, càng nhiều càng tốt.
“Không thực hiện cấy điện cực ốc tai khi ốc tai ở trẻ không bình thường (bị vôi hóa sau viêm màng não), trẻ điếc do thần kinh thính giác hoặc các nguyên nhân khác tại thần kinh trung ương, do một số bệnh lý như u não...”, bác sĩ Xương cho biết.
Hiện đã có 6 bệnh nhi được cấy điện cực ốc tai ở Bệnh viện Nhi trung ương, tất cả đều cho kết quả khá tốt - các bệnh nhi bắt đầu nghe được âm thanh. Tuy nhiên, cần lưu ý, lúc đầu trẻ có thể hoảng sợ vì đó là những tín hiệu đầu tiên trẻ được biết; nhưng sau đó trẻ có phản xạ thích ứng, có hành vi đi kèm tiếng nói, hiểu được âm thanh để bắt chước...
Liên Châu
Bình luận (0)