Cây gạo đỏ của làng

Phạm Anh
Phạm Anh
01/05/2023 08:20 GMT+7

Cây gạo ước chừng hơn 200 năm tuổi ở xóm Trại, thôn Tân Phước, xã Bình Minh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi), nơi từng treo lá cờ búa liềm năm 1930, được người dân ở đây chăm sóc và bảo vệ, xem như báu vật của làng, xã.

Ngọn cờ hiệu triệu

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Bình Minh, việc lãnh đạo phong trào cách mạng ở xã Bình Minh lúc đó là của chi bộ Tổng Thượng, do ông Lê Luân trực tiếp chỉ đạo. Vào mùa đông năm 1930, lá cờ búa liềm đã được treo ở cây gạo để hiệu triệu quần chúng đứng lên đấu tranh chống áp bức, chống phong kiến và thực dân, đòi cơm ăn, áo mặc, đòi độc lập. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, người dân xã Bình Minh đã cùng cả tỉnh Quảng Ngãi và cả H.Bình Sơn biểu dương lực lượng, kéo về trung tâm huyện và tỉnh lỵ để đấu tranh chống thực dân và tay sai.

Cây gạo đỏ của làng - Ảnh 1.

Di tích Cây Gạo ở xóm Trại, thôn Tân Phước, xã Bình Minh, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi)

PHẠM ANH

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh, cho biết đã là người dân ở đây thì ai cũng biết đến cây gạo lịch sử, nơi được xem là cái nôi cách mạng của H.Bình Sơn. Nhắc về những ngày tháng hào hùng, bà Hà bảo rằng những người từng tham gia treo cờ búa liềm trên cây gạo hầu như đã không còn, nhưng cây gạo vẫn sừng sững ở đó, như một chứng nhân của lịch sử.

Cũng theo Lịch sử Đảng bộ xã Bình Minh, mùa đông năm 1930, ngoài lá cờ đỏ búa liềm treo ở cây gạo, còn một lá cờ đỏ búa liềm nữa được treo tại rừng Cấm ở trước xóm Trại, thôn Tân Phước.

Cây gạo đỏ của làng - Ảnh 2.

Gốc và thân cây gạo

Kỷ vật của xóm làng

Trung tuần tháng 4.2023, men theo con đường bê tông thẳng tắp chạy song song với dòng sông Trà Bồng thơ mộng, chúng tôi về xã Bình Minh. Những cánh đồng lúa chín đang vào đầu mùa gặt. Dọc hai bên đường, những cánh đồng màu mỡ nối tiếp. Mùa ấm no đang tràn trề nơi làng quê xinh đẹp này.

Từ trụ sở UBND xã Bình Minh, chúng tôi đi về phía tây gần 3 km là đến di tích lịch sử Cây Gạo. Cuối tháng 2.2023 vừa qua, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã huy động lực lượng tôn tạo tu bổ khu di tích Cây Gạo thêm khang trang, sạch đẹp. Ngày ngày, cờ phướn tung bay trong gió dưới gốc cây gạo cổ thụ. Đến đây, khách chỉ cần quét mã QR là có ngay thông tin về cây gạo và khu di tích lịch sử này.

Cây gạo đỏ của làng - Ảnh 3.

Tỉnh đoàn Quảng Ngãi huy động lực lượng tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Cây Gạo

Hôm ấy buổi trưa, chúng tôi gặp nhiều nông dân đang nghỉ ngơi dưới gốc cây gạo sau buổi gặt. Thân cây to, tán cây rộng nên bà con vào dưới bóng cây để tránh nắng. Ông Võ Đức Triều (60 tuổi, ở xóm Trại), người đã nhường một phần ruộng để làm khu di tích, cho biết cây gạo này đã hơn 200 năm tuổi. Mùa xuân, cây gạo ra hoa đỏ, chim chóc nhiều nơi kéo về trú ngụ. Đến mùa nắng, chim cũng rủ về đây, suốt ngày ríu rít. Cây gạo như một biểu tượng và là một báu vật của làng, xã.

Theo ông Ung Đình Miền (78 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh giai đoạn 1974 - 1975, thì dưới gốc cây gạo có cái giếng nước rất ngon ngọt, từng là nơi cả xóm Trại dùng để uống, sinh hoạt. Khoảng 10 năm nay, người dân đóng được giếng sinh hoạt nên không dùng giếng này nữa, nhưng họ vẫn giữ gìn, xem như kỷ vật của xóm làng.

Sau khi tham quan cây gạo, theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm về núi Cấm với những rừng keo bạt ngàn. Đã hàng chục năm trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, quê hương Bình Minh ngày càng đổi mới, đời sống người dân ấm no hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết thêm, di tích lịch sử Cây Gạo có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nơi tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ ở địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.